Hỏi đáp bệnh tiểu đường là chuyên mục giải đáp miễn phí những thắc mắc của người bệnh về bệnh tiểu đường – Đái tháo đường, do Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Phi phụ trách.
Chào bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi chênh lệch chỉ số đường buổi sáng lúc đói và sau khi…
Tôi uống thuốc tiểu đường tuýp 2 hiện chỉ số 5.5 có phải sử dụng thuốc không ạ? xin cám…
Chào Bác sĩ Tôi nghe nói có 1 số nhóm thuốc tiểu đường, giúp người bệnh có thể giảm được…
Xin Bác sĩ tư vấn: Tôi bị tiểu đường, có nên chia bữa ăn thành nhiều bữa (5-6 bữa), mỗi…
Các câu hỏi thường gặp về bệnh tiểu đường
Uống Diamicron không bị hạ đường huyết có sao không?
Hỏi về tác dụng của Diamicron
Chào bạn
Chắc bạn muốn hỏi: Uống Diamicron 30mg nhưng đường huyết vẫn không giảm tới mục tiêu mình mong muốn?
Nếu là câu hỏi này thì bạn nên khám lại Bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc. Bạn nên tuân thủ chế độ ăn và tập thể dục để giảm đường.
Nếu bạn muốn hỏi: uống Diamicron không bị hạ đường huyết quá mức.
Câu trả lời là: như vậy thì quá tốt.
Diamicron MR là dạng phóng thích chậm, thuốc giúp giảm đường nhưng hạn chế hạ đường huyết quá mức cho bệnh nhân, đây là ưu điểm của thuốc. Bạn tiếp tục điều trị.
Thân
Đường huyết bình thường nằm trong khoảng bao nhiêu?
Giá trị bình thường Glucose trong máu: 70 – 100 mg/dl
Ở người bình thường, cơ thể sẽ tự điều chỉnh đường huyết qua nhiều cơ chế với sự tham gia của nhiều hormone như insulin, glucagon, cortisol. GH, cathecolamin … giúp đường huyết luôn trong ngưỡng bình thường:
Khi đói: đường huyết từ 70 – 100 mg/dl.
Sau khi ăn ( cao nhất là ở thời điểm từ 1- 2 giờ sau ăn): < 140 mg/dl.
Do vậy dù bạn uống nước ngọt đi chăng nữa thì đường sau ăn < 140 mg/dl. Nếu cao hơn có thể bạn đã có tình trạng rối loạn dung nạp Glucose hay thậm chí đủ để chẩn đoán tiểu đường.
Hạ đường huyết hay tăng đường huyết nguy hiểm hơn?
Bác sĩ cho hỏi: hạ đường vs tăng đường huyết, trường hợp nào nguy hiểm hơn?
Câu hỏi của bạn rất hay: thông thường bệnh nhân thường cho rằng tăng đường huyết sẽ nguy hiểm vì có nhiều biến chứng, điều đó rất đúng.
Tuy nhiên, hạ đường huyết là biến chứng cấp tính, nếu không phát hiện kịp thời và xử trí phù hợp bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong.
Về lâu dài, nếu hạ đường huyết lập lại thường xuyên, bệnh nhân dễ mất trí nhớ…
Do vậy, dù tăng hay giảm đường huyết đều nguy hiểm nhưng xét về mức độ cấp tính thì hạ đường huyết nguy hiểm hơn.
Trong các type bệnh tiểu đường, type nào nặng nhất ?
Type 1 bệnh tiểu đường – đái tháo đường nguy hiểm nhất.
Đái tháo đường type 1 xảy ra ở người trẻ, bắt buộc phải tiêm insulin. Bệnh nhân có thể sẽ hôn mê nhiễm ceton do thiếu insulin nếu bỏ tiêm trong 1 đến vài tuần.
Đái tháo đường type 2 thì bệnh thường âm thầm, các biến chứng thường là mạn tính sau một thời gian dài.
Đái tháo đường thai kỳ chủ yếu xảy ra trong thời gian mang thai, sau sanh đường huyết sẽ trở về bình thường.
Các type đái tháo đường do nguyên nhân khác thì tuỳ vào từng loại bệnh gây tăng đường huyết.
Do vậy, theo quan điểm của Bác sĩ: đái tháo đường type 1 là nặng nhất trong các type.
Có bao nhiêu nhóm thuốc điều trị tiểu đường hiện nay ?
Các nhóm thuốc hạ đường huyết hiện có ở Việt Nam
Nhóm: Metformin, lâu đời nhất, khuyến cáo là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị tiểu đường.
Nhóm Sulfonylureas – SU
Ức chế DPP-4
Nhóm ức chế đồng vận chuyển SGLT-2: nhóm thuốc mới, điều trị cho cả suy tim và suy thận.
Nhóm Pioglithazone ( ở Việt Nam ít được sử dụng do không có thuốc)
Nhóm Glinide: Repaglinide, hạ đường huyết sau ăn
Nhóm Acarbose: hạ đường huyết sau ăn
Bạn có thể tham khảo bài viết: Lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường type 2
Nhóm đồng vận GLP-1: giúp giảm cân và có lợi cho bệnh nhân có bệnh lý xơ vữa
Các thuốc Insulin
Bệnh tiểu đường làm vết thương lâu lành ?
Tại sao bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng, đoạn chi?
Đúng như câu hỏi của bạn: Bệnh nhân tiểu đường có vết thương khó lành.
Lý do: Khi bị tiểu đường, đường Glucose tăng cao trong máu, không thể đi vào tế bào do thiếu insulin hay chức năng insulin bị giảm sút. Từ đó, các tế bào thiếu glucose để tạo năng lượng.
Các tế bào có chức năng chống lại vi trùng suy yếu do thiếu năng lượng ( Glucose) trong khi vi trùng thì dư thưa năng lượng để phát triển ( Glucose trong máu, trong vết thương). Trận chiến này phần thắng nghiên về vi trùng. Do vậy vết thương khó lành.
Để điều trị, cần sử dụng kháng sinh diệt vi trùng, đồng thời dùng thuốc, insulin đưa glucose từ máu vào trong tế bào để nâng sức đề kháng cơ thể.
Đó là giải thích ngắn gọn cho dễ hiểu chứ còn nhiều cơ chế khác góp phần làm chậm lành vết thương như: thiếu máu, mô liên kết, mô hạt chậm phát triển …
Có phải Insulin làm tăng cân hay không ?
Insulin là hormone giúp xây dựng khối cơ, mỡ, dự trữ năng lượng, do vậy tiêm insulin sẽ làm tăng cân.
Chào bạn.
Khi bạn tiêm insulin, sẽ làm bạn tăng cân, đó là thực tế.
Lý do là: Khi đường huyết tăng cao, bạn sẽ sụt cân. Và khi được điều trị với insulin, đường huyết giảm sẽ trả lại cân nặng cho bạn.
Ngoài ra, insulin là hormon có chức năng đưa Glucose từ máu vào tế bào để tạo năng lượng, xây dựng các khối cơ và dự trữ năng lượng trong mô mỡ. Chính vì vậy khi tiêm insulin sẽ làm bạn tăng cân.
Thân
Những loại thức ăn nào chứa nhiều carbohydrate?
Carbohydrate trong thức ăn tạo ra đường Glucose trong máu.
Ngoài thức ăn chứa đường có vị ngọt chúng ta dễ nhận diện, còn có những nhóm thực phẩm khác chứa nhiều carbohydrate có thể làm tăng đường:
1- Nhóm thực phẩm được chế biến từ gạo, nếp: cơm, bún, cháo, bánh chưng, bánh tét, xôi…
2- Nhóm thực phẩm được làm từ bột: bánh mì, mì gói …
3- Trái cây: bát cứ trái cây nào cũng làm tăng đường huyết, cho dù chua hay ngọt: sầu riêng, mít …bưởi, cam …
4- Khoai: khoai lang, khoai môn, khoai tây, khoai mỡ …
5- Sữa: sữa tưới không có đường hay sữa tiểu đường đều làm tăng đường trong máu
6- Bia sẽ làm tăng đường hơn rượu
Đó là các nhóm thực phẩm làm tăng đường, do vậy cần hạn chế.
Có phải 100% bệnh nhân bị đái tháo đường là trong nước tiểu có đường phải không?
Liên quan giữa bệnh tiểu đường và Glucose trong nước tiểu
Để đường có thể xuất hiện trong nước tiểu, đường Glucose trong máu phải > 180 mg/dl.
Tuy nhiên, khi đường Glucose trong máu đo lúc đói ≥ 126 mg/dl là đã chẩn đoán đái tháo đường.
Như vậy, bệnh nhân tiểu đường có mức đường Glucose trong máu lúc đói từ 126 – 180 mg/dl sẽ không có đường trong nước tiểu ( trừ một số trường hợp đặc biệt).
Đó là lý do tại sao người ta không sử dụng xét nghiệm đường trong nước tiểu để chẩn đoán hay theo dõi bệnh tiểu đường.
Thân!
Hỏi về triệu chứng bệnh tiểu đường?
Triệu chứng của bệnh tiểu đường thường rất mờ nhạt, đôi khi không phát hiện trong giai đoạn đầu của bệnh.
Tiểu đường type 2 thường không có triệu chứng cho đến khi đường huyết tăng rất cao mới xuất hiện các triệu chứng. Trong khi tiểu đường type 1 các triệu chứng xuất hiện sớm và rỏ ràng hơn.
Các triệu chứng thường gặp của tiểu đường: uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân.
Các triệu chứng khác: tiểu đêm, ngứa, châm chích, tê chân, vết thương lâu lành, rối loạn cương dương …
Đái tháo đường có thể điều trị dứt điểm hay không?
Nếu tiểu đường type 1; cần điều trị insulin suốt đời
Tiểu đường type 2: trong trường hợp mới phát hiện bệnh, có thể tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tập luyện, có thể trở về bình thường. Tuy nhiên đa số trường hợp là vẫn điều trị suốt đời để tránh biến chứng.
Tiểu đường thai kỳ: Đường huyết sẽ trở về bình thường sau khi sanh.
Tiểu đường do các nguyên nhân khác: Đường huyết về bình thường khi ngưng thuốc gây tăng đường huyết hay bệnh lý nền gây tăng đường huyết đã được điều trị
Đái tháo đường phụ thuộc insulin và không phụ thuộc insulin là như thế nào?
Đái tháo đường type 1 có tên cũ là đái tháo đường phụ thuộc insulin.
Đái tháo đường type 2 có tên cũ là đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
Đái tháo đường phụ thuộc insulin là tên gọi cũ của bệnh đái tháo đường type 1.
Những bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần tiêm insulin mỗi ngày để kiểm soát đường huyết.
Thuốc uống không có tác dụng trên thể bệnh này. Do đó, trước đây gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin.
Đái tháo đường không phụ thuộc insulin là tên gọi cũ của đái tháo đường type 2.
Lý do là: những bệnh nhân đái tháo đường type 2 có thể uống thuốc hay tuân thủ chế độ ăn, tập thể dục để kiểm soát đường huyết mà không cần đến insulin. Do đó, gọi là không phụ thuộc vào insulin.
Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường type 2 theo thời gian đường huyết có thể không còn được kiểm soát bởi thuốc uống, khi đó cũng phải sử dụng insulin.
Do vậy, thuật ngữ phụ thuộc hay không phụ thuộc insulin không còn phù hợp và thay thế bằng đái tháo đường type 1 hay type 2.
Có thể dự đoán khả năng mắc bệnh tiểu đường hay không?
Bằng các bảng đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, chúng ta biết trước khả năng mắc bệnh tiểu đường sau 5-10 năm hay không.
Chúng ta có thể dự đoán khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai nếu có nhiều yếu tố nguy cơ.
Để dự đoán khả năng mắc bệnh tiểu đường, bạn cần đến các công cụ để dự đoán.
Truy cập link: Đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đái tháo đường type 1 khó dự đoán hơn, tuy nhiên nếu có các yếu tố liên quan đến di truyền cũng có thể dự đoán được.
Bệnh tiểu đường có lây hay không?
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh không lây. Trong gia đình có thể có nhiều người cùng bị tiểu đường do ảnh hưởng của di truyền chứ không phải do lây lan.
Nếu ba hay mẹ tôi bị tiểu đường, tôi cũng sẽ bị bệnh tiểu đường đúng không bác sĩ?
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng cao nếu có bố mẹ hay anh chị em ruột, con cái mắc bệnh tiểu đường.
Bạn có thể bị thừa hưởng về di truyền mắc bệnh tiểu đường từ ba mẹ. Tuy nhiên bạn có bị mắc bệnh tiểu đường sau này hay không là tùy thuộc vào bạn.
Dinh dưỡng, vận động là cách phòng tránh bệnh tiểu đường. Còn nhiều yếu tố khác góp phần vào nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của bạn.
Bạn có thể đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường theo link sau đây: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Có phải béo phì là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường?
Thừ cân, béo phì là nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Trong bệnh đái tháo đường type 1: béo phì không liên quan.
Trong bệnh đái tháo đường type 2: béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường, bên cạnh đó yếu tố di truyền, ít vận động, tăng huyết áp, mỡ máu, lớn tuổi … cũng góp phần gây bệnh đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân tiểu đường uống sữa loại nào tốt nhất?
Sữa tiểu đường phải được dùng để thay thế cho bữa ăn. Uống không đúng sẽ làm tăng đường huyết.
Tất cả các loại sữa đều làm tăng đường huyết, kể cả sữa tiểu đường và sữa tười không đường.
Quan trọng là phải uống tiểu đường đúng cách.
Sữa tiểu đường là bữa ăn thay thế, do vậy 1 ly sữa thay thế cho 1 bữa ăn: nếu đã uống sữa phải bỏ 1 bữa ăn.
Bạn có thể tham khảo cách uống sữa cho người tiểu đường : Hướng dẫn uống sữa cho người tiểu đường.
Bác sĩ ơi, bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây loại nào?
Tất cả trái cây đều gây tăng đường huyết. Chỉ ăn một lượng vừa đủ theo khuyến cáo.
Tất cả trái cây đều làm tăng đường. Tuy nhiên có loại tăng ít và có loại tăng nhiều.
Mít, sấu riêng, dưa hấu … có chỉ số đường huyết cao. Ngay cả những loại trái cây có vị chua hay không ngọt ăn nhiều cũng có thể gây tăng đường huyết.
Quan trọng là mỗi ngày bạn cần biết lượng trái cây được phép ăn là bao nhiêu.
Mỗi ngày bạn có 2- 3 serving ( phần ) trái cây, tùy theo loại trái cây sẽ có kích thước tương ứng với 1 phần.
Bạn có thể tham khảo bài: Hướng dẫn bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây để biết lượng trái cây phù hợp.
Đường huyết bao nhiêu thì bị tiểu đường?
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường:
Tùy thuộc vào đường huyết bạn đo lúc nào:
Nếu đường huyết đo lúc đói > 125 mg/dl, hay
Đo đường ở thời điểm bất kỳ, sau ăn… > 199 mg/dl:
Bạn được chẩn đoán đái tháo đường.
Tuy nhiên, cần phải lập lại xét nghiệm để xác định chẩn đoán.
Các xét nghiệm phải rút máu tĩnh mạch, không dùng máy thử đường huyết cá nhân để chẩn đoán.
Ngoài đường huyết, chẩn đoán tiểu đường còn có thể được chẩn đoán dựa vào xét nghiệm HbA1c và đường huyết đo 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp Glucose 75 gr.
Bạn có thể tham khảo bài viết: Chẩn đoán tiểu đường, đái tháo đường.
Bệnh nhân tiểu đường có uống rượu bia được không?
Bệnh nhân tiểu đường có thể uống rượu bia theo khuyến cáo nếu đường huyết đã ổn định:
Mỗi ngày được uống 1- 2 drinks rượu bia. Bạn lưu ý:
Uống rượu bia khi đang uống thuốc ( đặc biêt với nhóm Sulfonylureas) hay tiêm insulin có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Bia làm tăng đường huyết, rượu thì tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Ghi nhớ: Bia làm tăng đường. Rượu có thể gây hạ đường huyết quá mức ở người tiểu đường đang điều trị.
Mục tiêu đường huyết bệnh nhân tiểu đường cần đạt là bao nhiêu?
Không phải đường huyết càng thấp là tốt.
Hạ đường huyết quá mức có thể dẫn đến hôn mê, và thậm chí tử vong nếu không được xử trí sớm, kịp thời. Mục tiêu khi điều trị tiểu đường cho đa số trường hợp là:
Đường huyết đo lúc đói : < 130 mg/dl, VÀ
Đường đo sau ăn 1 – 2 giờ: < 180 mg/dl, VÀ
HbA1c đo mỗi 3 tháng < 7%
Như vậy: cả 3 chỉ số này bệnh nhân phải đạt được mới gọi là đường huyết được kiểm soát tốt.
Cá thể hóa mục tiêu điều trị
Trong một số trường hợp đặc biệt: người lớn tuổi, có bệnh lý khác kèm theo, có một số biến chứng như suy thận, bệnh động mạch vành, hay trên những đối tượng đặc biệt, Bác sĩ sẽ chọn mục tiêu điều trị có thể cao hơn hay thấp hơn các mục tiêu nêu trên.
Tê chân, châm chích có phải là biến chứng tiểu đường không?
Các triệu chứng bạn mô tả rất có khả năng là biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường.
Bạn cần đi khám để Bác sĩ đánh giá và chẩn đoán.
Thường biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường xảy ra sớm, thậm chí chiếm 33% bệnh nhân đái tháo đường, xuất hiện ngay khi mới chẩn đoán đái tháo đường.
Các triệu chứng thường là ở 2 bàn chân, cả 2 bên. Các triệu chứng thần kinh ngoại biên thường tăng nhiều vào ban đêm. Làm tăng nguy cơ loét và đoạn chi.
Biến chứng thần kinh là nguyên nhân gây loét và đoạn chi.
Do đó bạn nên khám sớm để có kế hoạch phòng ngừa.
Thuốc uống trị tiểu đường có gây suy thận không?
KHÔNG CÓ THUỐC TIỂU ĐƯỜNG NÀO GÂY SUY THẬN CHO BỆNH NHÂN.
Thuốc điều trị bệnh tiểu đường, đái tháo đường thường do các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới nghiên cứu và sản xuất.
Trước khi đến tay người bệnh, thuốc đã được nghiên cứu và đánh giá rất kỹ, đảm bảo an toàn mới được sản xuất.
Không có thuốc hạ đường huyết nào gây suy thận!
Bản thân bệnh tiểu đường gây suy thận nếu không kiểm soát đường huyết tốt.
Thuốc điều trị tiểu đường như nhóm ức chế SGLT-2 ngoài giúp hạ đường còn giúp điều trị suy thận, suy tim.
Bạn có thể tham khảo bài viết sau dây để hiểu thêm: Thuốc uống tiểu đường có gây suy thận hay không?