Làm sao để chọn máy thử đường huyết khi có rất nhiều loại máy thử đường huyết cá nhân trên thị trường, với rất nhiều đặc điểm khác nhau.
Làm thế nào để chọn ra máy thử đường huyết phù hợp và cho kết quả chính xác, thuận tiện khi sử dụng?
Trước khi mua máy thử đường huyết, bạn cần xem xét đến những yếu tố sau:
- Chọn máy thử đường chính xác
- Số lượng máu cần lấy cho một lần thử đường
- Mức độ dễ sử dụng
- Tốc độ: máy cho kết quả nhanh hay chậm
- Kích thước của máy
- Khả năng lưu trữ kết quả của máy
- Giá thành máy thử đường
- Giá que thử đường
- Khuyến cáo của bác sỹ trong việc chọn máy thử đường huyết
- Cần xem xét đến các chỉ số kỹ thuật của máy: coding, màn hình lớn, đèn màn hình sáng vào ban đêm…
- Thương hiệu
- Mua que thử đường huyết thuận tiện và dễ dàng
- Khả năng bảo hành…
Để chọn máy thử đường chính xác, chúng ta cần quan tâm đến một số yếu tố kỹ thuật:
Những máy thử đường ở thế hệ đầu tiên dựa trên phương pháp so sánh màu.
Mẫu máu phản ứng với thuốc thử và cho ra kết quả là phổ màu từ xanh tới vàng, tùy theo màu sắc khác nhau mà quy đổi ra kết quả tương ứng. Phương pháp này ít chính xác.
Ngày nay, đa số các máy thử đường huyết sử dụng phương pháp điện cực.
Que thử đường huyết có một mao dẫn hút một lượng máu nhỏ lên, đường glucose trong máu phản ứng với một điện cực có chứa enzyme là glucose oxidase hay dehydrogenase.
Một loạt phản ứng xảy ra giữa glucose và enzyme trong que thử sẽ tạo ra dòng điện từ các điện cực.
Dòng điện này tương ứng với lượng glucose trong mẫu máu phản ứng với enzyme trong que thử. Bằng cách đo dòng điện, sẽ ước tính được lượng glucose trong mẫu máu thử.
Hiện nay có những dòng máy có 4 điện cực, thậm chí 8 điện cực, giúp làm tăng độ chính xác.
Chọn lựa máy thử đường huyết nhiều điện cực sẽ tốt hơn!
Khi chọn máy thử đường bạn nên quan tâm đến chất phản ứng trong que thử đường huyết là loại nào.
Thông thường, que thử chứa một trong các enzyme sau: Glucose Oxidase ( Máy Onetouch), glucose dehydrogenase (GDH), pyrroloquinolinequinone (PQQ) ( True Result).
CẢNH BÁO !
Các máy thử đường huyết chứa men GDH-PQQ không nên sử dụng vì FDA đã khuyến cáo hạn chế sử dụng do máy gây ra kết quả dương tình giả gây nguy hiểm cho bệnh nhân
Ví dụ: đường huyết bệnh nhân thấp nhưng máy cho kết quả cao.
Vì máy nhầm lẫn các loại đường khác glucose ( maltose, fructose…).
Sự chính xác của máy thử đường còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bạn đọc thêm bài viết về vấn đề này : Các yếu tố làm sai lệch kết quả thử đường huyết
Chọn thương hiệu máy đo đường huyết
Sau khi xem qua thành phần enzyme của que thử đường, bạn cần biết máy thử đường huyết có phải của thương hiệu lớn hay không.
Điều này rất quan trọng, vì những thương hiệu đã có mặt ở Việt Nam lâu năm sẽ giúp chúng ta bảo hành và mua được que để sử dụng lâu dài.
Thông thường giá thành sản phẩm của những thương hiệu này đắt hơn các sản phẩm khác.
Do vậy, nếu bạn ham rẻ, mua của những công ty không nổi tiếng, vài năm sau họ kinh doanh không có lợi nhuận sẽ âm thầm ra đi và cái máy thử đường của bạn sẽ phải vứt đi, vì không tìm ra que để mua sử dụng.
Những thương hiệu lâu năm như: Onetouch của Johnson & Johnson, Accu-chek của Roche, Contour của Bayer…
Tiếp theo, bạn nên quan tâm đến việc dễ dàng tìm mua que thử đường huyết gần nơi bạn ở.
Vì chúng ta đều biết rằng: mỗi loại máy thử đường sẽ sử dụng đúng loại que phù hợp với máy của riêng hãng đó sản xuất, do vậy mua đúng loại que là quan trọng.
Nếu bạn ở Đồng Nai mà mỗi lần mua hộp que phải lên tận Sài gòn mua sẽ rất khó khăn cho việc sử dụng lâu dài. Hãy hỏi xem nhãn hiệu đó có đại lý ở gần nơi mình sống không nhé.
Về việc coding của máy thử đường
Một số máy trong mỗi hộp que có 1 con chip, mỗi lần thay hộp que bạn phải thay con chíp này vào.
Nếu quên, máy sẽ cho kết quả sai ( vi dụ Máy Accu-chek cũ)
Một số máy thì in code trên hộp que: Code : 25 ( Máy Onetouch), khi mua hộp que bạn phải chỉnh code trên máy trùng với code trên hộp que, nếu không, kết quả không được đảm bảo.
Hiện nay cũng có rất nhiều loại máy không cần code ( No Coding), do vậy sẽ giúp cho bệnh nhân lớn tuổi khỏi phải quên thao tác đổi code.
Khi mua máy, bạn cũng nên lưu ý vấn đề này.
Tốt nhất nên chọn máy No coding cho khoẻ, khỏi bận tâm về việc đổi code.
Chọn máy thử đường huyết có kích thước phù hợp
Đối với người lớn tuổi nên chọn máy có kích thước lớn, hiển thị kết quả dễ nhìn, có đèn sáng ban đêm càng tốt
Đối với bệnh nhân trẻ có thể không cần máy lớn.
Với các bạn trẻ, thích công nghệ, có thể bạn sẽ thích những máy thử đường nhỏ xíu.
Máy có chức năng share kết quả sang điện thoại để lưu trữ.
Giá thành máy thử đường huyết và que:
Bạn không nên bận tâm đến giá mua máy thử đường mà hãy quan tâm đến giá que thử đường, vì mỗi lần thử là 1 que phải bỏ đi.
Do đó, chi phí lâu dài liên quan đến que thử đường, còn mua máy chỉ mua 1 lần mà thôi, Hầu hết các thương hiệu lớn đều bảo hành máy trọn đời, do vậy chỉ mua một lần là sử dụng vĩnh viễn rồi.
Bảo hành máy thử đường huyết như thế nào?
Chọn máy thử đường huyết có thương hiệu tốt sẽ có bảo hành tốt, như đã nói ở trên, chọn thương hiệu bảo hành máy cả đời và quan trọng là thuận tiện, dễ dàng trong việc bảo hành ( chọn đại lý gần nhà).
Các yếu tố khác khi chọn máy thử đường huyết
Máy thử đường có thể athử cả máu tĩnh mạch: Không quan trọng lắm vì thường chỉ sử dụng trong bệnh viện.
Có rất nhiều bệnh nhân hỏi: máy thử đường huyết nào chính xác nhất?
Sẽ không có câu trả lời nào cả vì để có kết quả chính xác có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng.
Bạn nên đọc bài này : Cách sử dụng máy đo đường huyết cá nhân
Với một số lưu ý trên, bạn sẽ chọn cho mình máy thử đường tốt nhất.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.