Hiện tượng bình minh ( Dawn Phenomenon ) và hiệu ứng Somogyi ( Somogyi Effect) đều gây tăng đường trong máu, đặc biệt là vào buổi sáng trước khi ăn, trên bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị.
Hiệu ứng Somogyi thường xảy ra trên bệnh nhân đang tiêm insulin.
Hiện tượng bình minh
Hiện tượng bình minh là thuật ngữ mô tả sự gia tăng đường glucose trong máu vào sáng sớm, thường từ 2 – 8 giờ sáng ở người đái tháo đường.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các hormone đối kháng insulin như hormone tăng trưởng, cortisol, glucagon và epinephrine tăng sản xuất vào ban đêm.
Những hormon này có tác dụng ngược lại với insulin, do vậy việc tăng sản xuất các hormone này vào ban đêm sẽ làm tăng đường glucose trong máu vào sáng sớm.
Ngoài ra việc tăng đường glucose trên bệnh nhân tiểu đường vào buổi sáng lúc bình minh còn do nguyên nhân khác góp vào:
- Liều insulin tiêm buổi chiều hay tối không đủ
- Ăn nhiều carbohydrate hay uống sữa trước khi đi ngủ.
- Một số thuốc gây tăng đường huyết.
Như vậy việc tăng đường glucose vào buổi sáng là quá trình tự nhiên. Gặp trên người tiểu đường vì tác dụng hay số lượng insulin đều giảm, không “chống đỡ” nổi với các hormone đối kháng nên tăng đường vào buổi sáng.
Hiệu ứng Somogyi
Nếu lượng đường trong máu giảm quá thấp vào thời điểm giữa đêm về sáng, theo cơ chế phản xạ tự nhiên của cơ thể, sẽ kích thích những hormone đối kháng insulin có tác dụng làm tăng đường huyết.
Những hormone đối kháng insulin bao gồm: hormone tăng trưởng, cortisol, glucagon, và catecholamine, được phóng thích vào máu nhiều hơn.
Những hormone này giúp nâng lượng đường trong máu lên.
Tuy nhiên, khi đường huyết tăng vọt lên quá mức sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao vào buổi sáng.
Ví dụ một cas lâm sàng:
Một bệnh nhân tiêm insulin liều cao trước khi đi ngủ, điều đó làm cho lượng đường trong máu của bệnh nhân giảm thấp trong đêm.
Cơ thể của bệnh nhân phản ứng với lượng đường trong máu thấp bằng cách giải phóng những hormone đối kháng insulin gây tăng đường trong máu.
Những hormone này gây tăng đường huyết quá mức.
Nếu bác sỹ không nhận ra vấn đề này, cho răng đường glucose sáng tăng là do hiện tượng bình minh, và quyết định tăng liều insulin buổi chiều tối cho bệnh nhân nhằm hạ đường glucose vào buổi sáng.
Kết quả của việc tăng liều insulin là đường huyết trong đêm càng thấp, và hiệu ứng xảy ra sẽ càng làm gia tăng đường huyết buổi sáng hôm sau nhiều hơn.
Làm thế nào để phân biệt nguyên nhân gây tăng đường huyết buổi sáng?
Như vậy cả 2 hiện tượng đều có kết quả giống nhau là gia tăng đường huyết buổi sáng, do những hormone đối kháng insulin (hormone tăng trưởng, cortisol, glucagon, catecholamine) làm tăng đường huyết.
Sự khác nhau, đó là: hiệu ứng Somogyi là hậu quả của hạ đường huyết trước đó, còn hiện tượng bình minh không có hạ đường huyết trước đó.
Để phân biệt, bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ, đo đường huyết lúc 2:00-3:00 giờ sáng, và vào thời điểm sáng sớm.
- Nếu lượng đường trong máu thấp tại thời điểm 02:00-03:00 , nghi ngờ hiệu ứng Somogyi .
- Nếu lượng đường trong máu là bình thường hoặc cao tại thời điểm 02:00-3:00, nó có khả năng hiện tượng bình minh.
- Hiệu ứng somogyi thường không có tác dụng với việc tăng liều insulin buổi chiều trước đó, còn hiệu ứng bình minh thì có đáp ứng.
Việc xác định tăng đường huyết do nguyên nhân nào rất quan trọng, vì sẽ quyết định việc điều trị: tăng liều hay phải giảm liều thuốc.
Cách xử trí tăng đường huyết vào sáng sớm
Tăng đường huyết do hiện tượng bình minh
Hiện tượng tăng đường buổi sáng xảy ra hầu như trên mọi bệnh nhân tiểu đường. Những cách sau góp phần hạn chế:
- Không ăn carbohydrate trước khi đi ngủ
- Không nên uống sữa sau 8 giờ đêm.
- Điều chỉnh liều thuốc tiêm insulin hay thuốc uống điều trị tiểu đường
Tăng đường huyết do hiệu ứng somogyi
Sau khi đã xác định được tăng đường huyết buổi sáng là do hạ đường huyết trong đêm:
- Yêu cầu Bác sĩ giảm liều thuốc tiêm insulin buổi chiều.
- Không nên bỏ bữa ăn
- Có thể cần thay đổi thời gian tiêm insulin cho hợp lý
- Cần Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để xử lý vấn đề này.
Tham khảo thêm: Somogyi Phenomenon
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.