Insulin mới trong điều trị đái tháo đường, tiểu đường.
Trong điều trị đái tháo đường, insulin đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và được bác sĩ chỉ định sử dụng sớm cho bệnh nhân đái tháo đường.
Rất nhiều loại insulin mới đã ra đời nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất và ít gây hạ đường huyết nhất.
Một số loại insulin analog có tác dụng nhanh ( Novorapid, Humalog, Apidra) hay có tác dụng kéo dài 24 giờ ( Lantus, Levermir).
Gần đây, đã có nhiều tiến bộ trong việc tạo ra những loại insulin mới analog có tác dụng kéo dài hơn, tới 42 giờ và thậm chí insulin dạng uống cũng đã được thử nghiệm thành công. Dưới đây là những dạng insulin mới
Insulin degludec ( tên thương mại Tresiba)
Insulin degludec là loại insulin analog có tác dụng rất dài, thuốc được tiêm dưới da có tác dụng kéo dài tới 42 giờ, đây là insulin có tác dụng kéo dài nhất tới thời điểm này. Thuốc do công ty Novo Nordisk sản xuất dưới tên thương mại là Tresiba.
Nhờ thêm axit hexadecanedioic vào lysine ở vị trí B29 trong cấu trúc phân tử của insulin cho phép tạo thành nhiều hexamer trong mô dưới da.
Sau khi tiêm vào lớp dưới da, những phân tử lục phân ( hexamer) này cần thời gian để chuyển thành dixamer – 2 phân tử rồi thành monomer – đơn phân tử, và từ đó, các đơn phân tử insulin mới hấp thu vào máu.
Việc phóng thích từ từ như thế giúp thuốc có thời gian tác dụng 42 giờ sau tiêm.
Tresiba ( degludec) đã được FDA chấp thuận từ năm 2015 và tung ra thị trường từ năm 2016. Theo tin từ Novo Nordisk, sang năm 2018 Tresiba sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam.
2. Insulin mới: degludec + Aspart: Ryzodeg
Insulin degludec là insulin nền, khi được trộn với insulin aspart có tác dụng ngắn, nhanh sẽ là sự phối hợp tuyệt vời, giúp hạ đường huyết sau ăn và đường huyết đói.
Chúng ta đều biết insulin aspart ( tên thương mại Novorapid) là một insulin analog có tác dụng nhanh, ngắn do sự thay đổi acid amin proline bởi acid aspartic trong cấu trúc insulin người ở vị trí B28. Thuốc tác dụng sau 5-15 phút và chỉ kéo dài khoảng 4 giờ, giúp kiểm soát sau ăn hiệu quả.
Khi phối hợp 2 loại insulin Aspart và degludec với tỉ lệ 30/70 sẽ cho ra sản phẩm Ryzodeg. Ryzodeg hiện đã có mặt tại Việt Nam.
3. Insulin degludec + Liraglutide: Xulyophy
Liraglutide là một dẫn chất incretin người GLP-1, có tác dụng kích thích sản xuất insulin giúp hạ đường huyết.
Thuốc đã có mặt ở thị trường và cả Việt Nam từ năm 2015 với tên gọi là Victoza. Ngoài việc hạ đường huyết, thuốc còn có tác dụng giảm cân.
Thuốc được sử dụng dưới dạng bút tiêm giống bút tiêm insulin.
Hãng Novo Nordisk đã phối hợp 2 sản phẩm của mình: Degludec và Liraglutide thành một sản phẩn có tên gọi XULTOPHY.
Degludec và Liraglutide là 2 nhóm thuốc có cơ chế hạ đường huyết khác nhau nhưng có thể bổ sung, phối hợp với nhau, tuy nhiên giá thành sẽ rất cao. Hiện chưa có thông tin của thuốc khi nào về Việt Nam.
4. Insulin mới dạng uống
Chúng ta đều biết rằng insulin là loại hormon trong cơ thể, có cấu tạo từ những acid amin, như vậy bản chất của nó là protein, do đó rất dễ bị tiêu hoá khi uống.
Tuy nhiên, ngày nay các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để thuốc qua được đường tiêu hoá và vào trong máu.
Từ đầu năm 2017, đã có báo cáo về insulin uống tại Hội nghị Đái tháo đường Hoa Kỳ, và mới đây ( tháng 11/2017) cũng được báo cáo trong Hội nghị Liên đoàn đái tháo đường Thế giới IDF tại Abu Dhabi.
Insulin mới bằng đường uống có tên hiệu OI38GT.
Thuốc được nghiên cứu về hiệu quả kiểm soát đường huyết và nguy cơ gây hạ đường huyết khi so sánh với insulin Glargin.
Nghiên cứu được thực hiện trên 50 bệnh nhân đái tháo đường type 2 có độ tuổi trung bình 61. Những bệnh nhân này đang điều trị bằng thuốc hạ đường huyết uống, có HbA1c trung bình 8,1 -8,3%..
Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm, một nhóm điều trị bằng cách thêm insulin uống OI338GT, nhóm còn lại tiêm insulin glargin ngày một lần. Kết quả sau 8 tuần nghiên cứu cho thấy việc hạ đường huyết của 2 nhóm là tương đương nhau.
Không ghi nhận biến chứng hạ đường huyết nặng nào trong cả 2 nhóm.
Mặc dù là nghiên cứu trên nhóm nhỏ nhưng cho hứa hẹn rất lớn trong việc không cần phải tiêm insulin trong tương lai, thay vào đó bệnh nhân chỉ cần uống thuốc.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.