Biến chứng mắt do đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường đang gia tăng theo đà gia tăng của bệnh tiểu đường trên thế giới.
Bệnh mắt liên quan đến đái tháo đường bao gồm: tật khúc xạ, song thị, đục thủy tinh thể, glaucom (tăng nhãn áp) và bệnh võng mạc đái tháo đường.
Trong các bệnh trên, biến chứng võng mạc do đái tháo đường là bệnh duy nhất có nguyên nhân trực tiếp là do đái tháo đường và đưa đến hậu quả sau cùng cho người bệnh là suy giảm thị lực.
Biến chứng mắt do đái tháo đường thường gặp nhất: bệnh võng mạc đái tháo đường.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là hệ quả của việc các vi mạch trên võng mạc bị phá hủy do sự thay đổi của lưu lượng máu.
Sự thay đổi lưu lượng máu này là do tăng đường huyết gây nên các tổn thương trên vi mạch máu.
Lúc đầu, bệnh có thể gây ra vài triệu chứng nhẹ, nhưng trong giai đoạn tiến triển sau đó có thể dẫn tới mù mắt.
- Vi phình mạch – phình các vi mạch máu của võng mạc
- Xuất huyết võng mạc – các điểm xuất huyết nhỏ, rò rỉ vào võng mạc.
- Xuất tiết cứng – lắng đọng mỡ ở võng mạc.
- Xuất tiết dạng bông – sợi trục thần kinh thiếu máu cục bộ sưng phù trong lớp sợi thần kinh
- Giãn phình tĩnh mạch.
- Các bất thường vi mạch nội võng mạc – xuất hiện những vi mạch máu nối, bàng hệ bất thường hoặc sự giãn nở của các mạch máu hiện có.
- Tân mạch bất thường – những mạch máu mới được tạo ra.
Tùy thuộc vào vị trí của tân mạch, chúng được phân loại thành “tân mạch đĩa thị” hoặc “các tân mạch vùng khác”.
Bệnh võng mạc đái tháo đường chưa tăng sinh
Giai đoạn sớm của bệnh võng mạc đái tháo đường được gọi là “bệnh võng mạc đái tháo đường chưa tăng sinh”.
Trong giai đoạn này các bất thường vi mạch được giới hạn tại võng mạc.
Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh
Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh xảy ra do hậu quả của những bất thường vi mạch làm cản trở lưu lượng máu đến võng mạc dẫn đến thiếu oxy.
Trong nỗ lực để cung cấp máu cho khu vực bị thiếu máu, tân mạch phát triển từ võng mạc đi vào buồng dịch kính.
Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh có thể gây mất thị lực trầm trọng qua xuất huyết dịch kính, kéo bong võng mạc và tăng nhãn áp do tân mạch.
Biến chứng mắt do đái tháo đường: Phù hoàng điểm
Bệnh hoàng điểm gây ra do biến chứng mắt do đái tháo đường ảnh hưởng đến phần trung tâm của võng mạc: Hoàng điểm – nơi quan trọng cho thị lực.
Bệnh có thể do thiếu lưu lượng máu nuôi hoặc do phù nề, hình thức phổ biến nhất là phù hoàng điểm do đái tháo đường.
Trên lâm sàng, sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của phù hoàng điểm do đái tháo đường không phụ thuộc vào các giai đoạn của bệnh đái tháo đường.
Phù hoàng điểm do đái tháo đường có khả năng ảnh hưởng đến thị lực nghiêm trọng.
Nếu có các dấu hiệu cho thấy biến chứng phát triển tới trung tâm của hoàng điểm, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa mắt khám càng sớm càng tốt.
Các biến chứng mắt do đái tháo đường khác
Những bệnh về mắt này không phải là biến chứng của đái tháo đường nhưng rất thường gặp, và trong một số trường hợp, lại xấu đi nhanh hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường:
Thay đổi khúc xạ
Những biến đổi của nồng độ đường trong máu có thể gây ra những thay đổi độ khúc xạ của mắt.
Khi đường huyết tăng cao, cơ thể mất nước làm nhãn cầu xẹp lại và làm thay đổi khúc xạ của mắt.
Hay khi bắt đầu điều trị đái tháo đường, việc giảm đường huyết, giúp bệnh nhân giảm đi tiểu, giảm mất nước sẽ làm nhãn cầu thay đổi và cũng gây nên thay đổi khúc xạ mắt, gây giảm thị lực.
Song thị
Song thị (nhìn đôi) là thấy đồng thời hai hình ảnh của một đối tượng do tổn thương các dây thần kinh chi phối cơ vận nhãn kiểm soát phối hợp chuyển động mắt.
Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn thương thần kinh phá vỡ chuyển động bình thường của mắt.
Đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể đặc trưng bởi một lớp mây mù che thủy tinh thể gây ảnh hưởng đến thị lực và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
Đục thủy tinh thể bông tuyết với các đốm mờ trắng có thể ảnh hưởng đến người đái tháo đường típ 1, kiểm soát đường huyết không tốt.
Đục thủy tinh thể ở người già do tuổi tác xảy ra sớm hơn đối với nhóm người bị đái tháo đường hơn là người không mắc bệnh.
Glaucom (tăng nhãn áp)
Glaucom là bệnh lý ở mắt do tăng áp lực trong mắt gây ra, nêu để bệnh tiến triển có thể gây hậu quả tổn thương dây thần kinh thị giác.
Bệnh Glaucom có thể gây ra mất thị lực vĩnh viễn ở mắt bị bệnh, giảm tầm nhìn ngoại vi và kết quả là mất thị lực không thể phục hồi.
Bệnh glaucom góc mở mãn tính phát triển từ từ theo thời gian và thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh đã tiến triển đáng kể.
Bệnh glaucom góc đóng đặc trưng bởi đau mắt đột ngột, được coi là một ca cấp cứu về nhãn khoa.
Glaucom tân mạch có thể được thấy trong một số trường hợp của bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh.
Lưu ý: Tất cả người bệnh tiểu đường đều có nguy cơ bị biến chứng mắt do tiểu đường
Các yếu tố nguy cơ chính gây biến chứng mắt ở người đái tháo đường là:
Thời gian bị bệnh đái tháo đường
Mức đường huyết cao
Huyết áp cao
Làm sao để phòng ngừa biến chứng mắt do đái tháo đường
Kiểm soát bệnh đái tháo đường rất cần thiết để ngăn chặn hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh mắt gây ra do đái tháo đường, đặc biệt là bệnh võng mạc đái tháo đường.
Trọng tâm chính của quản lý đái tháo đường típ 2 là thông qua lối sống lành mạnh (chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất), dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ.
Đái tháo đường típ 1 đòi hỏi chế độ ăn uống thích hợp và chế độ insulin phù hợp với nhu cầu của người người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Dinh dưỡng tốt
Ăn uống lành mạnh và nâng cao kiến thức về mối quan hệ giữa thực phẩm và mức đường huyết có thể giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết.
Kiểm soát đường huyết
Kiểm soát đường huyết có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường, ngay sau khi chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Kiểm soát các yếu tố khác
Thuốc chống tăng huyết áp và thuốc hạ lipid máu nên được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường khi kết hợp với sự thay đổi lối sống.
Phát hiện sớm biến chứng mắt do tiểu đường và kiểm tra định kỳ
Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể làm tổn thương võng mạc vĩnh viễn và dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên giảm thị lực có thể được ngăn ngừa bằng cách chẩn đoán kịp thời các giai đoạn sớm của bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh. Do đó kiểm tra mắt định kỳ rất cần thiết.
Điều trị kịp thời
Điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa giảm thị lực, thậm chí có thể ổn định và cải thiện thị lực cho nhiều người. Quyết định điều trị nên được thực hiện với sự phối hợp của cả hai bên: người bệnh và nhân viên y tế.
Tham khảo: Diabetes eye health: A guide for health care professionals – IDF
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.