Glucose trong máu là nguồn năng lượng quan trọng của cơ thể. Insulin cùng với glucagon là những hormone kiểm soát nồng độ glucose
Khi bị bệnh đái tháo đường ( còn gọi là tiểu đường) bạn sẽ phải quan tâm đến nó nhiều hơn.
Glucose là gì ? Glucose hoạt động như thế nào trong cơ thể chúng ta?
Nói một cách dễ hiểu: Glucose là một dạng đường đơn.
Glucose trong máu là nguồn năng lượng trực tiếp giúp tế bào não hoạt động.
Glucose đi vào các tế bào để tạo nên năng lượng cho cơ thể chúng ta.
Do vậy, glucose luôn luôn phải tồn tại trong máu. Nếu glucose trong máu giảm thấp, lập tức tế bào não bị ảnh hưởng đầu tiên. Người bệnh có thể hôn mê và thậm chí tử vong.
Nếu glucose trong máu tăng cao, sẽ gây nên bệnh tiểu đường.
Glucose trong máu có nguồn gốc từ đâu?
Glucose đa số có nguồn gốc từ thức ăn mà chúng ta ăn vào. Nó có nhiều trong thực phẩm chứa tinh bột như gạo, nếp, ngũ cốc, đường, các loại rau, trái cây, sữa….
Thông thường, ở người bình thường, nếu quá nhiều glucose được tạo ra, cơ thể sẽ dự trữ nó ở gan dưới dạng glycogen. Cơ và mô mỡ cũng là nơi dự trữ glucose
Khi cơ thể cần thêm glucose ( như khi chúng ta nhịn đói) thì glucose sẽ được đưa ra khỏi gan để vào trong máu.
Nồng độ glucose trong máu được điều hoà bởi insulin.
Insulin là gì?
Insulin là một loại hoóc-môn có trong cơ thể. Insulin được tế bào beta tuyến tuỵ tiết ra.
Insulin tiết ra nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào lượng carbohydrate và các thành phần khác sau khi chúng ta ăn vào.
Nếu lượng carbohydrate nhiều, insulin sẽ được tiết ra nhiều hơn và ngược lại.
Insulin “quản lý” đường glucose trong máu như thế nào ?
Khi glucose trong máu tăng cao do chúng ta ăn nhiều thức ăn chứa tinh bột….
Lập tức, insulin được tiết ra với số lượng tương ứng, để đưa Glucose từ máu đến gan và dự trữ ở đó.
Đồng thời insulin cũng đưa glucose đến cho các tế bào ở cơ, mô mỡ… tiêu thụ.
Khi glucose trong máu thấp ( như khi chúng ta nhịn đói ), tuyến tuỵ sẽ giảm sản xuất insulin
Khi đó những hormon khác sẽ hoạt động để lấy glucose đã dự trữ ở gan, ở các tế bào cơ, mô mỡ…đưa vào trong máu.
Ngay cả khi cơ thể không ăn uống gì thì insulin vẫn được duy trì một lượng cơ bản để giữ nồng độ glucose trong giới hạn bình thường.
Insulin và các hormone khác cùng điều hoà glucose trong máu
Việc sản xuất và điều tiết insulin do rất nhiều hormon khác trong cơ thể gây ra.
Trong đó Glucagon là một hormone tác động ngược lại với insulin
Chính vì vậy mà nồng độ đường Glucose trong máu cũng bị tác động bởi rất nhiều hormon khác.
Ví dụ: Hormone tăng trưởng, cortisol, các cathecolamin…
Tại sao insulin không kiểm soát được lượng glucose trong máu ?
Một khi chức năng insulin bị giảm sút do các tế bào của cơ thể chúng ta “trơ lì” với tác dụng của insulin, khi đó tế bào sẽ không mở cửa để glucose đi vào bên trong.
Kết quả là glucose sẽ ở lại và tăng cao trong máu. Theo cơ chế này người ta gọi là đề kháng insulin. Thường gặp trong bệnh tiểu đường type 2.
Có thể vì một lý do nào đó mà tuyến tuỵ không sản xuất đủ insulin và không thể đưa glucose vào trong tế bào, lúc đó glucose sẽ tăng rất cao.
Cơ chế này điển hình trong bệnh tiểu đường type 1.
Khi mang thai, nhau thai sẽ tiết ra hormone HCG. Chính hormone này làm cho tình trạng đề kháng insulin gia tăng, góp phần làm tăng đường glucose trong máu trong thời gian mang thai.
Khi đó, gây nên bệnh cảnh của bệnh Tiểu đường thai kỳ.
Đa số những ca bệnh tiểu đường thường rơi vào 3 nhóm trên
Tuy nhiên, một số trường hợp mắc bệnh tiểu đường khác do nguyên nhân khiếm khuyết về gen hoặc những loại bệnh như xơ nang, cấy ghép tạng, và thậm chí là từ việc chữa trị bệnh AIDS.
Ngoài insulin, còn có hormon nào khác tác động đến glucose trong máu ?
Có, rất nhiều hormone khác tác động mạnh mẽ đế việc gia tăng glucose trong máu, gọi là hormone đối kháng insulin
- Glucagon
- Hormon cortisol
- Hormon tăng trưởng GH
- Hormon giao cảm Cathecholamin, Adrenaline….
Sẽ được đề cập trong bài Các nguyên nhân đặc biệt của bệnh tiểu đường.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.