Phòng ngừa tiểu đường – hay còn gọi bệnh đái tháo đường – là mong muốn của rất nhiều người. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị tiểu đường sau này.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2
Những người có các yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiểu đường hơn người khác.
Thừa cân hay béo phì, hoặc có cha mẹ, anh, chị em mắc bệnh tiểu đường týp 2, hay chị em phụ nữ đã từng bị đái tháo đường thai kỳ … làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 sau này.
Bạn có thể tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của mình:
Định nghĩa tiền tiểu đường:
Tiền tiểu đường – pre-diabetes – là tình trạng đường glucose trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán đái tháo đường.
Khi bị tiền-tiểu đường, bạn có nguy cơ cao chuyển thành tiểu đường type 2 sau này, nếu không có kế hoạch phòng ngừa tiểu đường ngay từ bây giờ.
Làm sao để chẩn đoán tiền tiểu đường?
Chẩn đoán tiền đái tháo đường bằng cách xét nghiệm Glucose trong máu hay thực hiện nghiệm pháp dung nạp Glucose:
Tiền tiểu đường được xác định khi:
- Đường huyết đo lúc đói: từ 100 tới 125 mg/dl, HAY
- Đường huyết sau 2 giờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp Glucose: từ 140 – 199 mg/dl, HAY
- HbA1c: 5.7 – 6.6%
Tiền tiểu đường có nguy hiểm không?
Dù chưa phải là tiểu đường, tiền-tiểu đường đã bắt đầu gây biến chứng cho cơ thể bạn.
Khả năng từ tiền tiểu đường chuyển thành tiểu đường type 2 thực sự là rất cao.
Dù vậy, chúng ta có thể ngăn chặn tiền đái tháo đường tiến triển thành bệnh tiểu đường týp 2.
Cách phòng ngừa tiểu đường
Theo nghiên cứu Diabetes Prevention Program: thay đổi lối sống giúp giảm tỉ lệ mắc đái tháo đường type 2 tới 58% trong 3 năm.
Thay đổi lối sống để phòng ngừa tiểu đường type 2
Các thay đổi bao gồm: chế độ ăn, tập thể dục, giảm cân và duy trì việc giảm cân:
1- Giảm cân và duy trì việc giảm cân nặng:
Nếu bạn bị thừa cân hay béo phì, giảm ít nhất 7% trọng lượng cơ thể, giúp bạn phòng ngừa được bệnh tiểu đường.
Ví dụ, nếu bạn 80kg, mục tiêu bạn cần giảm là ≥ 5.6 kg
Tính chỉ số khối BMI để biết bạn bị thừa cân, béo phì hay không?
2- Tăng cường vận động.
Hoạt động thể lực ở cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần. Đạp xe, đi bộ nhanh … cho thấy hiệu quả trên bệnh nhân tiền đái tháo đường.
Hoạt động thể lực giúp cải thiện tình trạng đề kháng insulin và giảm mỡ bụng ở trẻ em và người trẻ. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong 1 tuần.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn cách thức tập, bài tập, thể loại … nào thích hợp với bạn.
Nếu trước giờ ít vận động, bạn nên bắt đầu từ từ. Sau đó tăng dần cường độ và thời gian tập.
3- Ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe là cách phòng ngừa tiểu đường
Giảm khẩu phần ăn mỗi lần ăn. Chọn loại thức ăn ít mỡ để giảm calory.
Uống nước lọc thay vì uống nước ngọt.
Từ những dữ liệu nghiên cứu cho thấy: các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Ăn nhiều loại hạt, sữa chua, cà phê và trà có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Ngược lại, thịt đỏ và đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Khuyến cáo sử dụng thuốc cho bệnh nhân tiền đái tháo đường để phòng ngừa tiểu đường
Khi thay đổi lối sống đã được thực hiện, nếu vấn đề tiền tiểu đường không được cải thiện, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc
Khuyến cáo:
Chỉ định Metformin trong phòng ngừa bệnh tiểu đường – đái tháo đường type 2:
- Metformin nên được chỉ định cho những trường hợp tiền đái tháo đường,
- Đặc biệt trên những bệnh nhân có BMI ≥ 35 kg/m2, dưới 60 tuổi,
- Phụ nữ đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trước đó, và / hay có HbA1c cao mặc dù đã thay đổi lối sống tích cực.
Tóm lại:
- Bạn nên xét nghiệm kiểm tra xem mình có bị đái tháo đường hay tiền đái tháo đường hay không để có kế hoạch phòng ngừa tiểu đường.
- Nếu bị tiền đái tháo đường, bạn cần có kế hoạch để ngăn chặn hay làm chậm diễn tiến của tiền đái tháo đường thành bệnh đái tháo đường thật sự
- Để phòng ngừa đái tháo đường bạn cần: giảm cân, thực hiện chế độ tập thể dục tích cực, chọn thức ăn có lợi cho sức khoẻ.
- Uống thuốc nếu những cách thức thay đổi trên không đưa mức đường trong máu về bình thường.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.