Nhóm thuốc ức chế thụ thể SGLT2 – Sodium-glucose cotransporter 2 (SGLT2) inhibitors, là nhóm thuốc uống điều trị đái tháo đường type 2 mới.
Thuốc có tác dụng tăng thải Glucose qua nước tiểu, giúp giảm đường trong máu, HbA1c và cả huyết áp.
Thuốc còn được chấp thuận trong điều trị suy tim, suy thận, bệnh động mạch xơ vữa ở người tiểu đường.
Các thuốc ức chế thụ thể SGLT2
- Dapagliflozin: tên thương mại Forxiga, được FDA chấp thuận 2014,
- Empagliflozin: tên thương mại Jardiance, FDA chấp thuận 2014,
- Canagliflozin, tên thương mại Invokana. FDA chấp thuận năm 2013,
- Ertugliflozin, tên thương mại Steglatro. FDA chấp thuận năm 2017.
Cơ chế hạ đường huyết của nhóm thuốc điều trị tiểu đường ức chế SGLT2
Sodium Glucose cotransporters – SGLT là gì?
Sodium Glucose Cotransporters là những protein có chức năng đồng vận chuyển Glucose và muối Natri ( Sodium), được tìm thấy trong niêm mạc ruột non và ở ống thận gần. SGLT có 2 loại chính: SGLT1 và SGLT2.
Sodium-glucose cotransporter 1 (SGLT1) là những protein có ái lực cao nhưng khả năng vận chuyển Glucose lại thấp.
Sodium-glucose cotransporter-2 (SGLT2) là proteins mà chúng ta quan tâm trong bài viết này, hiện diện nhiều ở ống thận. Giúp tái hấp thu 90% đường Glucose từ dịch lọc ở thận.
Bình thường khả năng tái hấp thu Glucose ở thận ( còn gọi là ngưỡng thận ) tới 180 mg/dl. Nếu đường Glucose máu > 180 mg/dl, vượt quá khả năng tái hấp thu của thận sẽ xuất hiện Glucose trong nước tiểu.
Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, ngưỡng thận có thể tăng hơn 180 mg/dl và hoạt động của SGLT 2 cũng sẽ tăng cao hơn, Glucose được tái hấp thu nhiều hơn và điều đó làm cho lượng đường trong máu tăng cao.
Những chất ức chế SGLT2 có thể giúp giảm ngưỡng thận tới 40 -120 mg/dl.
Thuốc ức chế SGLT2 hoạt động như thế nào?
Các thuốc ức chế SGLT2 giảm đường Glucose trong máu bằng cách ngăn chặn hoạt động của các protein SGLT2 ở thận. Qua đó giảm sự tái hấp thu Glucose và Natri ở thận. Lượng Glucose sẽ được thải qua nước tiểu nhiều hơn, giúp giảm đường trong máu.
Thuốc ức chế SGLT2 cũng ggiúp iảm huyết áp nhờ tăng thải muối Natri qua nước tiểu.
Vì Glucose và Natri tăng cao trong nước tiểu, do đó kéo theo lượng nước tiểu nhiều hơn, giúp giảm cân.
Khuyến cáo của ADA đối với nhóm thuốc ức chế SGLT2
Khuyến cáo của ADA + EASD 2018
SGLT2 inhibitor recommendations
Khuyến cáo của ADA + EASD về SGLT2 2018, cập nhật 2019:
Những bệnh nhân không có bệnh động mạch xơ vữa nhưng có suy tim phân xuất tống máu giảm ( HFrEF – EF <45%) hay bệnh thận mạn (eGFR 30 tới ≤ 60 mL/min/1.73 m 2 hay UACR >30 mg/g, đặc biệt khi UACR >300 mg/g) mức độ bằng chứng là lớn nhất cho nhóm ức chế SGLT2.
Nhóm ức chế SGLT2 được khuyến cáo cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 có suy tim, đặc biệt trên những bệnh nhân có suy tim phân suất tống máu giảm, nhằm giảm nhập viện do suy tim, các biến cố tim mạch chính MACE và tử vong do tim mạch.
Thuốc ức chế SGLT2 được khuyến cáo để ngăn chặn tiến triển của bệnh thận mạn, nhập viện do suy tim, các biến cố tim mạch chính MACE và tử vong do tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 có bệnh thận mạn.
Bệnh nhân có loét chân hay có nguy cơ cao bị đoạn chi chỉ nên được điều trị với thuốc ức chế SGLT2 sau khi quyết định đưa ra dựa trên rủi ro và lợi ích cùng với giáo dục kiến thức chăm sóc bàn chân và ngăn chặn đoạn chi.
Chỉ định nhóm thuốc SGLT2
Thuốc ức chế SGLT2 được sử dụng như đơn trị liệu hay phối hợp với metformin hay các thuốc điều trị đái tháo đường khác cùng với tập thể dục và chế độ dinh dưỡng để giảm glucose trong máu bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Lưu đồ điều trị đái tháo đường type 2 của AACE ( American Association of Clinical Endocrinology)
Lợi ích hay tác dụng của thuốc ức chế SGLT2 trên bệnh nhân tiểu đường
- Hoạt động độc lập, không phụ thuộc tác động của insulin.
- Giảm đường huyết trong máu
- Giảm huyết áp
- Giảm mỡ quanh bụng.
- Điều trị suy tim
- Điều trị suy thận
Chống chỉ định SGLT2
- Nhóm ức chế SGLT2 không được chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 hay nhiễm toan chuyển hóa đang điều trị.
- Chống chỉ định trên bệnh nhân suy thận nặng (eGFR <30 ml/min/1.73m2) hay đang chạy thận nhân tạo.
- Nhóm ức chế SGLT2 không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em < 18 tuổi, người lớn tuổi > 80 tuổi.
Liều thuốc và cách sử dụng thuốc
Liều thuốc khuyến cáo cho ức chế SGLT2:
Thuốc | Chỉ định | Liều |
---|---|---|
Empagliflozin (Jardiance) | Đái tháo đường type 2 | 10, 25 mg / ngày |
Dapagliflozin ( Forxiga) | Đái tháo đường type 2 | 5 – 10 mg /ngày |
Canagliflozin ( Invokana) | Đái tháo đường type 2 | 100 – 300 mg / ngày |
Ertugliflozin (Steglatro) | Đái tháo đường type 2 | 5 – 15 mg / ngày |
Liều thuốc cho nhóm bệnh nhân đặc biệt:
Bệnh nhân suy thận: •Không nên dùng khởi đầu thuốc ức chế SGLT2 cho bệnh nhân có eGFR < 60 mL/phút/1,73 m2 hoặc CrCl < 60 mL/phút.
Với bệnh nhân dung nạp thuốc có eGFR liên tục rơi vào khoảng dưới 60 mL/phút/1,73 m2 hoặc CrCl dưới 60 mL/phút, nên điều chỉnh hoặc duy trì liều 10mg mỗi ngày.
Nên dừng thuốc ức chế SGLT2 khi eGFR liên tục dưới 45 mL/phút/1,73 m2 hoặc CrCl dưới 45 mL/phút.
Bệnh nhân suy gan: Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan. Kinh nghiệm điều trị trên bệnh nhân suy gan nặng còn hạn chế, do đó không khuyến cáo dùng thuốc cho nhóm bệnh nhân này.
Bệnh nhân cao tuổi: Không cần chỉnh liều theo tuổi.
Ở bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên, nên xem xét đến khả năng tăng nguy cơ giảm thể tích.
Kinh nghiệm điều trị trên những bệnh nhân từ 85 tuổi trở lên còn hạn chế do đó không khuyến cáo khởi đầu điều trị SGLT2 ở nhóm bệnh nhân này.
Bệnh nhi: Chưa có dữ liệu thiết lập về tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên trẻ em và thiếu niên
Cách uống thuốc ức chế SGLT2:
Thuốc uống 1 lần vào buổi sáng, có thể uống khi bụng đói hay với thức ăn.
Nếu quên uống thuốc, uống ngay khi nhớ ra.
Nếu đã quên thuốc, không nên uống bù bằng cách nhập cả thuốc ngày hôm trước và ngày hôm sau uống cùng lúc. Hãy bỏ qua liều thuốc của ngày hôm trước đã lỡ quên.
Bạn nên uống thật nhiều nước.
Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng tiểu: tiểu đau, buốt, tiểu lắt nhắt nhiều lần… Báo cho Bác sĩ điều trị ngay để xử lý.
Trong nước tiểu của bạn sẽ có đường Glucose dù đường trong máu không cao. Đó là bình thường khi đang điều trị với thuốc ức chế SGLT2.
Tác dụng phụ thường gặp
Các tác dụng phụ thường gặp của SGLT2 bao gồm:
- Nhiễm nấm cơ quan sinh dục nam và nữ.
- Nhiễm trùng đường tiểu.
- Dị ứng: phù mặt, khó thở…
- Tiểu nhiều
- Bón
- Tiểu khó
- Nghẹt mũi
- Đau lưng
Các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc ức chế SGLT2 bao gồm:
- Hiếm gặp nhưng trường hợp nặng: hoại tử vùng hậu môn và cơ quan sinh dục – hoại tử Fournier.
- Suy thận
- Tăng kali máu
- Hạ huyết áp ( huyết áp thấp)
- Nhiễm toan Keton
- Tăng cholesterol
- Nhiễm trùng tiểu nặng
- Dị ứng nặng
- Hạ đường huyết khi phối hợp với insulin hay nhóm Sulfonylureas.
- Mất nước.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.