Xét nghiệm fructosamine máu gần giống như xét nghiệm HbA1c, dùng để đánh giá việc kiểm soát đường Glucose trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường – tiểu đường.
Fructosamine trong huyết tương được hình thành từ sự kết hợp của Glucose và protein trong máu, mà chủ yếu là albumin.
Do half-life của albumin (14 – 21 ngày) ngắn hơn so với hemoglobin, cho nên fructosamin chỉ phản ánh tình trạng kiểm soát đường Glucose trong máu trong khoảng thời gian từ 2- 3 tuần trước đó.
Trong trường hợp albumin máu giảm, ví dụ, hội chứng thận hư hay bệnh lý về gan, chỉ số fructosamine cũng sẽ giảm.
Khi nào sử dụng fructosamine để đánh giá kiểm soát đường huyết?
Fructosamine không phải là xét nghiệm được sử dụng rộng rãi trong theo dõi đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
Xét nghiệm fructosamine được chỉ định trong những tình huống sau đây:
- Đánh giá hiệu quả điều trị, thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập thể dục trong 2-3 tuần.
- Cần xác định việc kiểm soát đường huyết trong khoảng thời gian hẹp, ví dụ như xác định việc kiểm soát đường huyết vào thời điểm thụ thai.
- Trên những bệnh nhân mà xét nghiệm HbA1c không phản ánh chính xác mức đường huyết trung bình của bệnh nhân, ví dụ bệnh lý liên quan Hemoglobine, ví dụ bệnh hồng cầu liềm, Hb E… , thiếu máu tán huyết, hay mất máu cấp, lúc đó fructosamine là sự thay thế thích hợp.
Các trường hợp có thể ảnh hưởng tới kết quả Fructosamin
Tất cả các tình huống tác động đến sản xuất albumin máu có thể tác động đến kết quả fructosamine:
- Bệnh lý gan, ví dụ xơ gan
- Hội chứng thận hư
- Bệnh lý tuyến giáp, như suy giáp
- Paraproteinemia
Nồng độ vitamin C – ascorbic acid tương tác với hóa chất thử fructosamine assay.
Bệnh nhân nên ngưng Vitamin C ít nhất 24 giờ trước khi rút máu xét nghiệm fructosamine.
Giá trị bình thường của fructosamine
Giá trị bình thường của fructosamine trong trường hợp nồng độ albumin trong máu 5g/dl là 200 – 285 umol/L.
Tương quan giữa fructosamine và HbA1c:
Công thức chuyển đổi: HbA1c (%) = 0.017 X fructosamine level (µmol/L) + 1.61
Nguồn: https://adc.bmj.com/content/101/Suppl_1/A281.1
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.