Hạ đường huyết là một biến chứng cấp tính, rất thường xảy ra trên bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị. Biết cách xử trí hạ đường huyết tại nhà sẽ giảm thiểu nguy cơ hôn mê, tử vong.
KHI NÀO CHẨN ĐOÁN HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Chẩn đoán hạ đường huyết dựa vào tam chứng Whipple ( Whipple’s triad):
- Có các triệu chứng hạ đường huyết
- Các triệu chứng giảm hay mất sau ăn hay uống thực phẩm chứa carbohydrate
- Đường glucose trong máu < 70 mg/dl
Có triệu chứng hạ đường huyết
Tuỳ theo từng bệnh nhân mà các triệu chứng hạ đường có thể sẽ khác nhau.
Các triệu chứng bao gồm:
- Đói
- Run tay, nhịp tim nhanh
- Đỗ mồ hôi
- Tê ở môi hay tay chân
- Đau đầu, chóng mặt
- Buồn nôn, nôn ói
- Nhìn mờ, giảm thị lực, hoa mắt
- Dễ cáu gắt, giận dữ
- Lừ dừ, buồn ngủ
- Lơ mơ, hôn mê
Các triệu chứng cải thiện sau khi ăn hay uống thực phẩm chứa carbohydrate
Tiêu chuẩn thứ 3 để xác định chẩn đoán bên cạnh 2 tiêu chuẩn trên là các triệu chứng hạ đường của bệnh nhân sẽ mất đi hay giảm rỏ rệt sau khi ăn hay uống thực phẩm giúp tăng đường.
Đường huyết đo được < 70 mg/dl
Chỉ dựa vào các triệu chứng chưa đủ để xác định có hạ đường huyết hay không.
Bệnh nhân cần thử đường huyết.
Nghĩ đến hạ đường huyết khi kết quả đường huyết < 3.9 mmol/L hay đường huyết < 70 mg/dl.
Để chẩn đoán hạ đường huyết bạn cần cả 3 tiêu chuẩn trên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đường huyết < 70 mg/dl là quan trọng nhất trong chẩn đoán.
BÀN LUẬN:
Nếu chỉ dựa vào triệu chứng hạ đường huyết và các triệu chứng giảm đi sau khi ăn hay uống nước đường… sẽ không chính xác.
Vì có những trường hợp bệnh nhân đường huyết rất cao, ví dụ 300 mg/dl, sau khi điều trị, ĐƯỜNG HUYẾT hạ nhanh, chỉ cần đường huyết hạ tới 150 mg/dl là bệnh nhân đã có triệu chứng hạ đường huyết, và sau khi ăn các triệu chứng cũng cải thiện. Tuy nhiên đây không phải là hạ đường huyết mà là do giảm biên độ đường huyết nhanh.
MỨC ĐỘ HẠ ĐƯỜNG: NHẸ, TRUNG BÌNH HAY NẶNG
Chúng ta cần đánh giá mức độ hạ đường huyết của bệnh nhân để xử trí cho phù hợp
Hạ đường mức độ NHẸ
Bệnh nhân chỉ có các triệu chứng về thần kinh tự chủ như:
- Vã mồ hôi
- Run tay
- Hồi hộp,
- Lo lắng, căng thẳng
- Đói
- Buồn nôn
- Châm chích
Và, bệnh nhân vẫn có khả năng tự xử trí được. Như đi lấy thức ăn hay tìm nước ngọt để uống…
Thử đường huyết cho thấy đường Glucose < 70 mg/dl hay 3.9 mmol/L
Hạ đường mức độ TRUNG BÌNH
Bệnh nhân có thể có cả các triệu chứng thần kinh tự chủ như trên và các triệu chứng thần kinh trung ương như:
- Chóng mặt
- Mất ngủ
- Khó tập trung
- Đau đầu
- Nói khó
- Lừ đừ, ngủ gà…
Thường mức đường huyết đo được thấp hơn 54 mg.dl hay < 3 mmol/L
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có khả năng tự xử trí được. Như đi lấy thức ăn hay tìm nước ngọt để uống…
Hạ đường mức độ NẶNG
Bệnh nhân có thay đổi tri giác: Lơ mơ, hôn mê
Xử trí hạ đường huyết nặng
Bạn không được tự xử trí hạ đường mức độ nặng tại nhà.
Hạ đường huyết mức độ nặng phải được xử trí tại Bệnh viện.
XỬ TRÍ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT TẠI NHÀ NHƯ THẾ NÀO ?
Xử trí biến chứng hạ đường huyết nên tuân theo ” qui tắc 15″:
1. Ăn hay uống thực phẩm chứa 15gr Carbohydrate có tác dụng nhanh để giúp tăng đường huyết nhanh. Ví dụ nước ngọt, kẹo, viên đường…
2. Đợi 15 phút
3. Đo lại đường huyết
Nếu đường huyết vẫn < 70 mg/dl hay 3.9 mmol/L. Lập lại các bước trên từ 1 đến 3.
Ở trẻ nhỏ, khởi đầu 10g carbonhydrate.
Vì đường glucose trong máu có thể sẽ tiếp tục hạ trở lại sau khi đã uống hay ăn thực phẩm chứa carbohydrate, do vậy nên kiểm tra lại đường trong máu mỗi 60 phút sau khi điều trị.
Thức ăn tương đương 15g Carbohydrate :
- 2 hay 3 viên đường
- 1/2 ly nước trái cây bất kỳ nào
- 1/2 ly nước ngọt
- 1 ly sữa
- 5 hay 6 viên kẹo
- 1 hay 2 muỗng café đường hay mật ong
- 15 ml # 3 muỗng café dung dịch đường hay 3 gói đường hòa tan trong 1 cốc nước
- 175 ml # ¾ cốc nước nước trái cây hay nước ngọt
- 15 ml # 1 muỗng canh mật ong.
Sữa và nước cam làm tăng đường huyết chậm hơn
Glucose dạng gel làm tăng đường khá chậm (< 18 mg/dl sau 20 phút) và phải nuốt để có hiệu quả tốt nhất.
Nếu bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ức chế alpha-glucosidase (ví dụ như Glucobay…) phải sử dụng đường viên hay sữa hay mật ong để điều trị.
Vì thuốc này làm giảm hấp thu Carbohydrate vào máu.
HƯỚNG DẪN PHÒNG NGỪA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Tiêm insulin và uống thuốc điều trị tiểu đường đúng liều lượng và đúng thời điểm.
- Bữa ăn: không bỏ bữa ăn, thời điểm tiêm insulin phải phù hợp với bữa ăn.
- Hoạt động hàng ngày: Nếu hoạt động nhiều hơn hàng ngày hay tập thể dục nhiều hơn bệnh nhân nên ăn nhẹ trước khi hoạt động
- Rượu: Uống rượu, đặc biệt khi dạ dày trống có thể gây tuột đường, thậm chí kéo dài tới 1 hay 2 ngày sau . Nếu uống rượu luôn luôn ăn thức ăn
- Điều trị đái tháo đường: Điều trị đái tháo đường tích cực.
Việc cố giữ mức đường trong máu gần bình thường để tránh các biến chứng lâu dài, có thể làm tăng nguy cơ hạ đường. - Bệnh nhân phải để ý nhận biết những dấu hiệu đường huyết thấp để có thể xử trí sớm.
Nguồn: Hypoglycemia
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.