Bệnh thận tiểu đường là biến chứng do tăng đường huyết gây suy thận mạn, là biến chứng thường gặp nhất trong bệnh đái đường.
Làm thế nào để phát hiện và ngăn chặn suy thận do tiểu đường ?
Thận đóng vai trò gì trong cơ thể
Thận đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe của bạn bằng cách lọc các chất thải và dịch dư thừa từ máu của bạn. Ngoài ra thận còn có các chức năng khác như:
- Tạo hồng cầu, suy thận thường gây thiếu máu
- Điều hoà huyết áp.
- Điều hoà áp lực thẩm thấu, độ pH, cân bằng kiềm toan và thể tích máu
- Điều hoà đường Glucose …

Khi thận không thực hiện tốt các chức năng này, bạn sẽ phải cần đến các phương pháp như thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo hay ghép một thận mới để giúp lọc những chất thải và dịch ra khỏi cơ thể..
Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có nguy cơ cao bị bệnh thận tiểu đường.
Tăng đường huyết là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh thận tiểu đường
Mức đường trong máu cao có thể gây tổn hại các mạch máu trong thận và gây ra bệnh thận tiểu đường.
Khi những mạch máu nhỏ bị tổn hại, thận của bạn không có khả năng thực hiện tốt chức năng lọc.
Điều này sẽ dẫn đến tích tụ các chất thải trong cơ thể và đồng thời một lượng lớn protein sẽ đi qua thận và xuất hiện trong nước tiểu.
Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về bệnh tiểu đường và hệ tiêu hóa và Thận (NIDDK): Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn, chiếm 44% các trường hợp bệnh thận mới.
Mặc dù nhiều bệnh nhân tiểu đường đã được chẩn đoán là có biến chứng thận hay bệnh thận tiểu đường, chúng ta có thể làm chậm tiến trình của nó nếu được phát hiện sớm và được điều trị.
Cách giảm nguy cơ mắc bệnh thận tiểu đường:
1. Kiểm soát đường huyết sẽ ngăn chặn bệnh thận tiểu đường
Giữ đường huyết đói < 130 mg/dl, đường glucose sau ăn < 180 mg/dl, cố gắng đạt mục tiêu A1C <7% sẽ góp phần hạn chế các biến chứng, bao gồm bệnh thận tiểu đường.
Hiện nay, nhóm thuốc ức chế SGLT-2 và đồng vận GPL -1 đã được chứng minh hiệu quả trong việc duy trì và cải thiện bệnh thận tiểu đường, làm chậm diễn tiến tới suy thận mạn. Trao đổi với bác sĩ để cân nhắc sử dụng nhóm thuốc này.
2. Kiểm soát huyết áp của bạn.
Huyết áp cao làm suy yếu các mạch máu trong thận, cùng với tăng đường huyết sẽ nhanh chóng làm bệnh thận càng diễn tiến nhanh.
Theo hướng dẫn của JNC 8 và Hiệp hội tiểu đường Mỹ (ADA):
Mục tiêu là huyết áp dưới 140/90 mmHg,
Khuyến cáo hiện nay, đề nghị huyết áp thấp hơn 130/80 mmHg cho những người trẻ tuổi, và những người có dấu hiệu của bệnh thận.
Việc chọn lựa nhóm thuốc hạ huyết áp cũng cần được cân nhắc. Nhóm ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể đã được chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ thận.
3. Không hút thuốc.
Nếu bạn đã hút thuốc, lập kế hoạch để bắt đầu một chương trình cai thuốc lá.
Nicotine thu hẹp và hạn chế các mạch máu và tiểu đường cũng gây tổn thương trên mạch máu như thế, tuy nhiên nếu bệnh nhân tiểu đường mà hút thuốc lá thì nguy cơ tổn thương mạch máu sẽ tăng lên rất nhiều.
Hãy nhớ rằng, khi bạn không thể thay đổi thực tế rằng bạn bị tiểu đường, bạn có thể tránh được thiệt hại gây ra bởi nicotine.
4. Giảm cân nếu thừa cân hay béo phì
Bạn cần duy trì cân nặng lý tưởng, uống nhiều nước, vận động phù hợp với sức khoẻ và tuổi tác là cách thức tố giúp thận khoẻ mạnh.
5. Chọn lựa thuốc hạ đường để điều trị bệnh thận tiểu đường
Gần đây những thành tựu trong điều trị đái tháo đường đã giúp ra đời những nhóm thuốc mới có khả năng kiểm soát đường huyết, giảm cân cũng như giúp cải thiện chức năng thận.
Nhóm ức chế thụ thể SGLT-2, GLP1 đã được chứng minh cải thiện chức năng thận.
Do vậy, bạn cần bác sĩ chuyên khoa để giúp bạn điều trị đúng cách.
6. Chế độ ăn
Bạn cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối và đạm.
Tùy theo trọng lượng cơ thể mà lượng thức ăn chứa đạm sẽ phải giảm tương ứng. Theo khuyến cáo: 0.8gr đạm/kg cân nặng/mỗi ngày.
Bằng cách làm theo các nguyên tắc này, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ suy thận mạn do đái tháo đường.
Xét nghiệm phát hiện sớm để phát hiện suy thận do đái tháo đường
Tại PHÒNG KHÁM TIỂU ĐƯỜNG, chúng tôi cũng khuyến cáo những người bị tiểu đường thực hiện hàng năm 2 xét nghiệm sau để giúp phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh thận tiểu đường.
1. Xét nghiệm microalbumin.

Xét nghiệm này phát hiện một lượng protein rất nhỏ trong nước tiểu. Mức nước tiểu albumin bình thường là ít hơn 30 mg.
Nếu lượng protein trong nước tiểu trên mức 30mg là một dấu hiệu sớm của bệnh thận. Nếu kết quả bất thường, tôi khuyên bạn nên lặp lại xét nghiệm một tháng sau đó.
2. Xét nghiệm đo độ lọc cầu thận (GFR).
Tính độ lọc cầu thận eGFR theo công thức CKD-EPI 2021 để phân độ suy thận.
Nếu chức năng thận giảm, nồng độ creatinin của bạn tăng lên.
Đo creatinin trong máu và dựa vào đó Bác sỹ sẽ đưa vào các công thức tính, từ đó ước tính được tốc độ lọc của cầu thận và từ đó xác định mức độ suy giảm chức năng của thận.
Người bệnh đái tháo đường cần xét nghiệm chức năng thận hàng năm và điều trị tích cực có thể làm chậm đáng kể sự suy giảm chức năng thận và làm chậm diễn tiến biến chứng suy thận do đái tháo đường.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.