Tầm soát đái tháo đường type 2 và tiền đái tháo đường ở người lớn không có triệu chứng – Screening and Testing for Prediabetes and Type 2 Diabetes in Asymptomatic Adults có thể giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, phòng ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2 và tiền đái tháo đường thông qua việc đánh giá các yếu tố nguy cơ (Bảng 2.3) hoặc bằng một công cụ đánh giá, chẳng hạn như bảng đánh giá các yếu tố nguy cơ đái tháo đường của ADA hay trực tuyến tại diabetes.org/socrisktest, được khuyến cáo cho nhân viên y tế khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán.
Bảng đánh giá các yếu tố nguy cơ đái tháo đường – ADA:
Bảng 2.3
Tiêu chuẩn tầm soát Đái tháo đường hoặc tiền Đái tháo đường ở người lớn không triệu chứng
1. Nên xem xét những người lớn bị thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥25 kg/m2 hoặc ≥23 kg/m2 ở người Mỹ gốc Á) có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau: |
• Có người thân trực hệ mắc bệnh đái tháo đường |
• Thuộc chủng tộc/dân tộc có nguy cơ cao (ví dụ: Người Mỹ gốc Phi, Người Latinh, Người Mỹ bản địa, Người Mỹ gốc Á, Người dân đảo Thái Bình Dương) |
• Tiền sử bệnh lý tim mạch. |
• Tăng huyết áp (≥140/90 mmHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp) |
• Có mức cholesterol HDL <35 mg/dL (0,9 mmol/L) và/hoặc triglyceride > 250 mg/dL (2,82 mmol/L) |
• Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang |
• Lối sống ít vận động thể lực |
• Có tình trạng tăng đề kháng insulin (ví dụ: béo phì nặng, gai đen – acanthosis nigricans) |
2. Bệnh nhân tiền Đái tháo đường (A1C ≥5,7% [39 mmol/mol], Rối loạn dung nạp Glucose – IGT, hoặc Rối loạn đường huyết đói – IFG) nên được kiểm tra hàng năm. |
3. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nên làm xét nghiệm suốt đời ít nhất 3 năm một lần. |
4. Đối với tất cả các bệnh nhân khác, nên bắt đầu xét nghiệm khi 35 tuổi. |
5. Nếu kết quả bình thường, việc xét nghiệm nên được lặp lại tối ít nhất mỗi 3 năm, xét nghiệm thường xuyên hơn tùy thuộc vào kết quả ban đầu và tình trạng của các yếu tố nguy cơ. |
6. Người nhiễm HIV |
Cân nhắc thêm các yếu tố nguy cơ sau để xét nghiệm sàng lọc:
Tuổi tác
Tuổi là yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường.
Thực hiện xét nghiệm tầm soát đái tháo đường nên bắt đầu ở tuổi 35 đối với tất cả bệnh nhân. Đối với người bị thừa cân hoặc béo phì và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường cần được tầm soát sớm hơn.
BMI và dân tộc:
Nói chung, BMI > 25 kg/m2 là yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, đối với người Mỹ gốc Á, các dữ liệu cho thấy điểm cắt BMI nên thấp hơn.
Điểm cắt BMI rơi vào khoảng từ 23 đến 24 kg/m2 (độ nhạy 80%) đối với hầu hết các phân nhóm người Mỹ gốc Á (với mức thấp hơn một chút đối với người Mỹ gốc Nhật). Trong thực tế, chọn điểm cắt BMI là 23 kg/m2.
BMI của người Việt
BMI > 25 kg/m2 được xem yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường!
Bằng chứng cũng cho thấy rằng các nhóm dân số khác có thể được hưởng lợi nếu điểm cắt BMI giảm thấp hơn.
Ví dụ, trong một nghiên cứu cohort đa sắc tộc lớn, đối với tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tương đương nhau, chỉ số BMI là 30 kg/m2 ở người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha tương đương với chỉ số BMI là 26 kg/m2 ở người Mỹ gốc Phi .
Thuốc:
Một số loại thuốc, chẳng hạn như glucocorticoids, thuốc lợi tiểu thiazid, một số thuốc điều trị HIV, và thuốc chống loạn thần không điển hình, được biết là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và nên được cân nhắc khi quyết định tầm soát.
HIV:
Những người nhiễm HIV điều trị với thuốc kháng virus (ARV) có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường, vì vậy nên được thực hiện sàng lọc.
Không khuyến cáo sử dụng xét nghiệm A1C để chẩn đoán ở những người nhiễm HIV; vì kết quả thường thấp hơn glucose máu.
Ở những người bị tiền đái tháo đường, giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể chất có thể làm giảm tiến triển thành bệnh đái tháo đường.
Trong số bệnh nhân đái tháo đường nhiễm HIV, chăm sóc sức khỏe dự phòng bằng cách tiếp cận như ở bệnh nhân không nhiễm HIV là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng mạch máu lớn và nhỏ.
Nguy cơ đái tháo đường tăng lên khi điều trị với một số thuốc HIV như PIs và NRTIs. Bệnh đái tháo đường mới khởi phát được ước tính xảy ra ở hơn 5% bệnh nhân nhiễm HIV khi điều trị với PIs, trong khi hơn 15% có thể bị tiền đái tháo đường .
Thuốc PIs có liên quan đến tình trạng đề kháng insulin và cũng có thể dẫn đến quá trình chết theo chương trình của tế bào beta tụy. NRTIs cũng ảnh hưởng đến phân hủy mỡ (cả loạn dưỡng mỡ và tiêu mỡ), có liên quan đến đề kháng insulin.
Đối với bệnh nhân HIV và tăng đường huyết liên quan đến thuốc ARV, có thể cân nhắc ngưng các thuốc ARV và thay thế thuốc khác. Trước khi thay thế thuốc ARV, cần xem xét thận trọng hiệu quả kiểm soát virus HIV và các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc ARV mới. Trong một số trường hợp, thuốc hạ đường huyết vẫn có thể cần thiết sử dụng.
Khoảng cách giữa các lần xét nghiệm để tầm soát đái tháo đường:
Khoảng thời gian thích hợp giữa các xét nghiệm sàng lọc là không được xác định.
Cơ sở để chọn khoảng thời gian 3 năm là với khoảng thời gian này, số lượng các xét nghiệm dương tính giả cần xét nghiệm lại để xác định bệnh sẽ giảm bớt và những người có xét nghiệm âm tính giả sẽ được kiểm tra lại trước khi các biến chứng xảy ra.
Ở những người có nguy cơ rất cao, đặc biệt như tăng cân, khoảng cách giữa các lần tầm soát đái tháo đường sẽ ngắn hơn.
Tầm soát đái tháo đường type 2 trong cộng đồng :
Tốt nhất, nên thực hiện tầm soát đái tháo đường type 2 trong cơ sở chăm sóc sức khỏe vì cần theo dõi và điều trị.
Việc sàng lọc cộng đồng bên ngoài cơ sở chăm sóc sức khỏe thường không được khuyến khích vì những người có xét nghiệm dương tính có thể không được theo dõi và điều trị thích hợp.
Sàng lọc đái tháo đường trong cộng đồng cũng có thể chọn mục tiêu khá kém; tức là, có thể không tiếp cận được các nhóm có nguy cơ đái tháo đường cào và lại xét nghiệm cho những người có nguy cơ rất thấp hoặc thậm chí những người đã được chẩn đoán.
Sàng lọc đái tháo đường tại cơ sở Nha khoa:
Vì bệnh nha chu có liên quan đến bệnh đái tháo đường, do đó sàng lọc đái tháo đường tại cơ sở nha khoa cho thấy cải thiện việc chẩn đoán tiền đái tháo đường và đái tháo đường.
Một nghiên cứu ước tính rằng 30% bệnh nhân từ 30 tuổi trở lên đến khám tại các phòng khám nha khoa bị rối loạn đường huyết. Một nghiên cứu tương tự trên 1.150 bệnh nhân nha khoa > 40 tuổi ở Ấn Độ cho thấy 20,69% và 14,60% đáp ứng các tiêu chí về tiền đái tháo đường và đái tháo đường, bằng cách sử dụng đường huyết ngẫu nhiên.
Cần thêm các nghiên cứu thêm để chứng minh tính khả thi, hiệu quả và chi phí của việc sàng lọc ở cơ sở nha khoa.
Sàng lọc và xét nghiệm tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2 ở trẻ em và thanh thiếu niên
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ mắc và tỷ lệ lưu hành bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ và thanh thiếu niên đã gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc và chủng tộc thiểu số.
Bảng 2.4
Tầm soát Đái tháo đường type 2 hoặc tiền ĐTĐ dựa trên các yếu tố nguy cơ ở trẻ em và thanh thiếu niên không có triệu chứng
Khuyến cáo về tầm soát đái tháo đường ở trẻ em
Nên xem xét sàng lọc đái tháo đường ở trẻ * bị thừa cân (phân vị thứ 85) hoặc béo phì (phân vị thứ 95) và có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dựa trên mức độ liên quan đến đái tháo đường như: |
• Mẹ có tiền sử mắc đái tháo đường hoặc Đái tháo đường thai kỳ – GDM trong thời kỳ mang thai đứa trẻ. |
• Tiền sử gia đình mắc Đái tháo đường type 2 ở người thân cấp 1 ( bố mẹ anh chị em ruột) hoặc cấp 2 ( ông bà chú bác cô dì). |
• Chủng tộc / dân tộc (Người Mỹ bản địa, Người Mỹ gốc Phi, Người Latinh, Người Mỹ gốc Á, Người đảo Thái Bình Dương) |
• Có các dấu hiệu đề kháng insulin hoặc các bệnh lý liên quan đến đề kháng insulin (gai đen – acanthosis nigricans, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc cân nặng khi sinh nhỏ so với tuổi thai) |
*Trẻ em sau khi bắt đầu dậy thì hoặc sau 10 tuổi, tùy trường hợp nào xảy ra sớm hơn. Nếu các xét nghiệm bình thường, thì nên lặp lại xét nghiệm trong khoảng thời gian tối thiểu 3 năm (hoặc thường xuyên hơn nếu BMI đang tăng lên hoặc có yếu tố nguy cơ xấu). Đái tháo đường type 2 trước 10 tuổi đã được ghi nhận, do vậy tầm soát cần cân nhắc nếu bé có nhiều yếu tố nguy cơ.
Bảng 2.5
Tiêu chuẩn xác định tiền Đái tháo đường
Đường huyết tương lúc đói – FPG: từ 100 mg/dL (5,6 mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L): Rối loạn dung nạp Glucose – IFG |
HOẶC LÀ |
Đường Glucose huyết tương 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp Glucose bằng đường uống 75 g (OGTT): từ 140 mg/dL (7,8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11,0 mmol/L): Rối loạn dung nạp Glucose (IGT) |
HOẶC LÀ |
A1C 5.7–6.4% (39–47 mmol/mol) |
FPG, fasting plasma glucose; IFG, impaired fasting glucose; IGT, impaired glucose tolerance; OGTT, oral glucose tolerance test; 2-h PG, 2-h plasma glucose.
Một số nghiên cứu đặt câu hỏi về tính hợp lệ của A1C trong dân số trẻ em, đặc biệt là ở một số dân tộc nhất định, và đề xuất OGTT hoặc FPG là các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này không nhận ra rằng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường là dựa vào kết quả sức khỏe lâu dài, và hiện nay chưa có trên dân số trẻ em. ADA- Hiệp hội đái tháo đường Hoa kỳ thừa nhận có sự giới hạn về các dữ liệu ủng hộ A1C chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Mặc dù A1C không được khuyến cáo để chẩn đoán bệnh đái tháo đường thể xơ nang ở trẻ em hoặc bệnh đái tháo đường type 1 có các triệu chứng đường huyết khởi phát cấp tính, và chỉ sử dụng xét nghiệm A1C không bị nhiễu, phù hợp với trẻ bị bệnh lý huyết sắc tố, ADA vẫn tiếp tục khuyến cáo sử dụng A1C và các tiêu chí trong Bảng 2.2 để chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2 nhằm giảm các rào cản đối với việc tầm soát.
Nguồn : Screening and Testing for Prediabetes and Type 2 Diabetes in Asymptomatic Adults – Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2022
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.