Bệnh nhân đái tháo đường hay tiểu đường nhiễm Covid cần thay đổi thuốc điều trị tiểu đường cho phù hợp với mức độ nặng của bệnh Covid.
Bệnh nhân tiểu đường nhiễm Covid 19 có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao hơn người bình thường rất nhiều lần.
Do đó kiểm soát đường huyết là nền tảng cho bệnh nhân tiểu đường bên cạnh phối hợp điều trị Covid.
Các nhóm thuốc hạ đường được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân tiểu đường nhiễm Covid
Khi bị nhiễm Covid, tùy theo mức độ nặng của bệnh viêm đường hô hấp cấp mà người bệnh tiểu đường cần được lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.
Trong mùa dịch, bệnh nhân tiểu đường nhiễm Covid có thể được chia thành 4 nhóm:
- Chưa bị nhiễm Covid nhưng đang trong vùng dịch
- Bị nhiễm Covid mức độ nhẹ
- Bị nhiễm Covid mức độ trung bình, nhập viện điều trị
- Nhiễm Covid mức độ nặng, điều trị tích cực ở ICU
Tùy theo từng mức độ mà việc lựa chọn thuốc điều trị cũng khác nhau.
LƯU Ý
Bài viết không dành cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 và đái tháo đường thai kỳ.
Các bệnh nhân trên điều trị bằng insulin để kiểm soát đường huyết.
Bảng lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường type 2 tùy theo mức độ bệnh Covid:
Bệnh nhân tiểu đường chưa bị nhiễm Covid, đang trong vùng dịch:
Bệnh nhân vẫn tiếp tục uống thuốc hay tiêm insulin như cũ nếu đường huyết đang ổn định.
Nhóm Sulfonylureas như Glibenclamid, Gliclazic, Glimepirid… nên sử dụng thận trọng, tránh gây gây hạ đường quá mức.
Bệnh nhân tiểu đường bị nhiễm Covid mức độ nhẹ
Bệnh nhân tiểu đường nếu chỉ có triệu chứng nhẹ, đang điều trị cách ly tại nhà:
Các thuốc tiểu đường được khuyến cáo sử dụng cho nhóm bệnh nhân này bao gồm:
Insulin
Insulin là thuốc được khuyến cáo điều trị cho tất cả bệnh nhân tiểu đường nhiễm Covid từ nhẹ tới rất nặng.
Do đó bệnh nhân tiếp tục tiêm insulin, theo dõi đường huyết thường xuyên, thông báo kết quả qua điện thoại để Bác sĩ giúp chỉnh liều insulin từ xa.
Nhóm ức chế DPP-4
Nhóm thuốc ức chế DPP-4 như: Sitagliptin ( Januvia), Vildagliptin ( Galvus), Linagliptin ( Trajenta), Onglyza (Saxagliptin)…cũng là nhóm an toàn, được khuyến cáo sử dụng cho tất cả các giai đoạn của bệnh Covid trên người tiểu đường.
Nhóm thuốc ức chế DPP-4 còn được cho là giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong do Covid trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Thuốc ức chế DPP-4 block thụ thể DPP-4, là nơi được xem như cửa ngõ vào của virus gây viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS) và cả COVID-19. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng ngăn chặn phóng thích cytokines.
Ngoài ra, nhóm thuốc ức chế DPP-4 an toàn, ít gây hạ đường huyết quá mức, ít tác dụng phụ, sử dụng được cho cả bệnh nhân lớn tuổi, suy thận ( kể cả suy thận giai đoạn cuối), trung tính với các vấn đề tim mạch…
Do đó thuốc nên là lựa chọn hàng đầu trong điều trị tiểu đường, bên cạnh insulin ở người mắc Covid 19.
Metformin
Metformin có thể sử dụng an toàn trên người tiểu đường mắc Covid nhẹ.
Tuy nhiên, Metformin nên ngưng trong trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, hay bệnh diễn tiến nặng hơn.
Tình trạng thiếu oxy có thể thúc đẩy tình trạng toan chuyển hóa do nhiễm acid lactic của Metformin.
Thuốc GLP-1
Nhóm thuốc tương tự GLP-1 như Liraglutide – Victoza có nhiều lợi ích trong điều trị tiểu đường kèm béo phì, suy thận hay các vấn đề liên quan tim mạch.
Thuốc nên tiếp tục sử dụng trên bệnh nhân tiểu đường bị Covid mức độ nhẹ tới nặng.
Nhóm thiazolidinedione – TZD
Nhóm thuốc này đã không còn sử dụng ở Việt Nam.
Thuốc làm tăng cân, gây giữ nước và là tình trạng suy tim nặng hơn. Do đó, không nên sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường mắc Covid.
Nhóm thuốc ức chế thụ thể đồng vận chuyển Glucose – Natri ở thận – SGLT-2
Nhóm thuốc ức chế thụ thể SGLT-2 có nhiều lợi ích trong điều trị tiểu đường, đặc biệt trên bệnh nhân thừa cân, béo phì, suy thận, suy tim..
Tuy nhiên, thuốc có thể gây mất dịch do lợi tiểu thẩm thấu, nhiễm ceton, nhiễm trùng tiểu dưới..
Do vậy, thuốc nên sử dụng thận trọng ở bệnh nhân mức độ nhẹ và không khuyến cáo cho các mức độ nặng hơn.
Nhóm thuốc ức chế alpha-glucosidase
Nhóm Acarbose có tác dụng làm chậm hấp thu tinh bột từ đường tiêu hóa. Có tác dụng phụ gây sinh hơi, trướng bụng… do vậy nên sử dụng một cách thận trọng.
Thuốc có tác dụng hạ đường huyết ít, chủ yếu là hạ đường huyết sau ăn trên người ăn nhiều tinh bột.
Bệnh nhân nhiễm Covid mức độ nặng
Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện.
Những bệnh nhân ở mức độ này, lý tưởng là kiểm soát đường huyết bằng insulin và ức chế DPP-4.
Bệnh nhân nếu được chỉ định với Corticoides liều cao, nhằm mục đích khống chế bão cytokines do Covid gây ra có thể phải đối diện với việc đường huyết không kiểm soát được do tác dụng của corticoides.
Việc kiểm soát đường tốt nhất là truyển insulin tĩnh mạch.
Nếu không thể truyền tĩnh mạch vì những lý do bất khả kháng nào đó, thì tiêm insulin nhiều lần trong ngày cùng với việc phối hợp nhóm ức chế DPP-4 có thể giúp kiểm soát đườngglucose trong máu.
Các nhóm thuốc điều trị tiểu đường có thể làm tệ thêm tình trạng nặng của bệnh nhân cần phải ngưng, như
- Ức chế SGLT-2 : do làm nặng thêm tình trạng mất dịch, thúc đẩy nhiễm ceton acid và có thể nhiễm trùng tiểu…
- TZD: gây giữ nước, tăng suy tim, béo phì…
Bệnh nhân tiểu đường nhiễm Covid mức độ rất nặng
Đa số là những trường hợp bệnh nhân cần điều trị tích cực như thở máy, thở oxy lưu lượng cao : HFNC – High Flow Nasal Cannula… Việc kiểm soát đường huyết cần tích cực.
Truyền insulin phối hợp với thuốc ức chế DPP-4 là phương pháp tối ưu.
Tóm lại:
Trong các nhóm thuốc điều trị tiểu đường, chỉ có insulin và ức chế DPP-4 là sử dụng an toàn và hiệu quả trên tất cả các giai đoạn nặng của bệnh Covid 19.
Ức chế DPP-4 – Sitagliptin có khả năng giảm tỉ lệ chuyển nặng cũng như giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân tiểu đường, dù số liệu nghiên cứu còn hạn chế.
Tài liệu tham khảo: COVID-19 and diabetes mellitus: from pathophysiology to clinical management.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.