Bệnh tiểu đường là gì ? Bệnh tiểu đường có các loại nào? Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường? Cách điều trị ra sao là những câu hỏi mà người bệnh thường quan tâm.
Định nghĩa: Bệnh tiểu đường còn gọi là đái tháo đường là một bệnh lý mà đường glucose trong máu tăng cao.
Ngày nay bệnh tiểu đường, đái tháo đường đã rất phổ biến và đang bùng phát trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường không mới, nó là bệnh được biết đến rất sớm.
Lịch sử bệnh tiểu đường
Trong một tài liệu y học cổ xưa của người Ai cập được viết vào khoảng 1550 trước công nguyên đã mô tả tình trạng tiểu nhiều.
Một thầy thuốc người Hy lạp – Aretaeus sống vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, đã đặt tên căn bệnh này là diabetes theo nghĩa tiếng Hy lạp là “chảy qua”. Aretaeus quan sát thấy cơ thể của những bệnh nhân của ông ta dường như “tan chảy” vào nước tiểu.
Họ nhận thấy rằng nước tiểu của người bệnh tiểu đường rất ngọt. Do vậy, cách để chẩn đoán bệnh tiểu đường thời đó là tiểu gần tổ kiến, nếu thấy kiến bu vào nơi tiểu, có nghĩa là bị bệnh tiểu đường.
Khoảng thế kỷ 18, các thầy thuốc đã thêm một từ Latin: mellitus ( có nghĩa là ngọt – mật ngọt) vào diabetes. Và từ đó Diabetes Mellitus là thuật ngữ chỉ bệnh tiểu đường – đái tháo đường.
Dịch tễ bệnh tiểu đường
Ngày nay, bệnh đái tháo đường đường đang bùng phát trên toàn cầu. Theo dữ liệu của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới – IDF, năm 2021 có 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới.
- Cứ 11 người lớn ( 20 – 79 tuổi): có 1 người bị tiểu đường
- 50% người mắc bệnh tiểu đường nhưng chưa được chẩn đoán
- Tỉ lệ người bệnh tiểu đường cao tuổi ( >65 tuổi ) chiếm 20%.
- Cứ 6 thai nhi thì có 1 bé chịu ảnh hưởng của tăng đường trong máu. 84% là do đái tháo đường thai kỳ…
Biểu đồ tăng trưởng của bệnh tiểu đường – IDF
Tại sao bị bệnh tiểu đường – đái tháo đường ?
Như chúng ta đã biết, tiểu đường là do đường glucose tăng cao trong máu. Vậy Glucose từ đâu mà có? và tại sao glucose lại tăng trong máu.
Glucose là gì?
Sau khi chúng ta ăn vào, thức ăn sẽ được chuyển thành glucose.
Glucose là dạng đường đơn, rất quan trọng giúp cho não hoạt động và là nguồn năng lượng giúp cơ thể hoạt động và xây dựng các tế bào cũng như cơ quan.
Nồng độ glucose trong máu được điều hoà bởi insulin. Có nghĩa là glucose tăng cao hay thấp là do tác dụng của insulin.
Vai trò insulin trong bệnh tiểu đường là gì ?
Insulin là một loại hormon có trong cơ thể. Insulin được tế bào beta tuyến tuỵ tiết ra.
Insulin tiết ra nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào lượng carbohydrate và các thành phần khác sau khi chúng ta ăn vào.
Insulin “quản lý” đường glucose như thế nào ?
Khi glucose trong máu tăng cao do chúng ta ăn nhiều thức ăn chứa tính bột….
Lập tức, insulin được tiết ra với số lượng tương ứng, để đưa Glucose từ máu đến gan và dự trữ ở đó.
Đồng thời insulin cũng đưa glucose đến cho các tế bào ở cơ, mô mỡ… tiêu thụ.
Khi glucose trong máu thấp ( như khi chúng ta nhịn đói ), tuyến tuỵ sẽ giảm sản xuất insulin.
Khi đó những hormon khác sẽ hoạt động để lấy glucose đã dự trữ ở gan, ở các tế bào cơ, mô mỡ…đưa vào trong máu.
Khi bị tiểu đường, insulin hoạt động như thế nào? Bệnh tiểu đường là gì?
Glucose trong máu tăng cao. Cơ thể sẽ cố sản xuất thêm insulin để đưa glucose từ máu vào trong tế bào.
Điều này sẽ làm cho tế bào beta tuyến tuỵ càng nhanh chóng kiệt quệ. Và lượng insulin ngày càng giảm đi. Glucose lại sẽ tiếp tục tăng.
Bệnh tiểu đường – đái tháo đường có các loại nào?
Bệnh tiểu đường được chia thành 4 nhóm, các loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất là Tiểu đường Type 1 và Tiểu đường Type 2.
BỆNH TIỂU ĐƯỜNG – ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 1
Bệnh tiểu đường type 1 là gì?
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường type 1 còn gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, xảy ra ở người trẻ, cần tiêm insulin để kiểm soát đường.
Bệnh chiếm khoảng 5% tỉ lệ bệnh tiểu đường, thường gặp ở thanh thiếu niên.
Cơ chế gây bệnh là do cơ thể tự sinh kháng thể tấn công vào các tế bào tiểu đảo tuỵ, nơi sản xuất insulin.
Các triệu chứng tiểu đường type 1 xuất hiện và diễn tiến nhanh.
Chẩn đoán bệnh cần thực hiện các xét nghiệm về miễn dịch:
- Kháng thể kháng tế bào tiểu đảo tuỵ ICA Islet Cell Antibody
- Kháng thể kháng GAD – Anti-GAD.
Bệnh nhân cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.
BỆNH TIỂU ĐƯỜNG – ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
Bệnh tiểu đường type 2 hay tiểu đường không phụ thuộc insulin, là dạng tiểu đường thường gặp nhất, chiếm gần 95% bệnh tiểu đường.
Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, thừa cân hay béo phì, ít vận động. Bệnh có yếu tố di truyền.
Các triệu chứng thường âm thầm, có thể mắc bệnh trong nhiều năm mà vẫn không phát hiện được.
Cơ chế gây bệnh thường do di truyền hay tình trạng gia tăng đề kháng insulin.
Chẩn đoán khá đơn giản, chỉ cần xét nghiệm đường Glucose, HbA1c trong máu…
Điều trị với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, uống thuốc điều trị tiểu đường hay tiêm insulin nếu cần…
TIỂU ĐƯỜNG – ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường glucose máu trong thời gian mang thai. Đường huyết sẽ trở về bình thường sau khi sanh.
Như vậy, nếu sản phụ đã bị tiểu đường type 2 hay type 1 từ trước, đang mang thai sẽ không được xem là đái tháo đường hay tiểu đường thai kỳ.
Cơ chế làm tăng đường glucose trong máu được cho là do tình trạng tăng đề kháng insulin khi mang thai và do các hormone từ nhau thai tiết ra.
Chẩn đoán dựa vào nghiệm pháp dung nạp glucose ở thời điểm 24 -28 tuần thai.
Điều trị chủ yếu bằng chế độ ăn. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân cần tiêm insulin để kiểm soát đường máu.
Các loại đái tháo đường khác
Đây là các thể bệnh tiểu đường còn lại, không được chia vào 3 nhóm bệnh tiểu đường trên
- Các bệnh tiểu đường do khiếm khuyến về gen: bệnh tiểu đường bẩm sinh, các thể MODY
- Bệnh tiểu đường thể LADA – Latent Autoimmune Diabetes in Adult
- Bệnh tiểu đường do thuốc, stress…
- Bệnh tiểu đường do các bệnh lý khác: Cushing, Acromegaly, xơ hoá tuỵ…
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.