Khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa kỳ ADA năm 2022 về sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường Diagnostic Tests for Diabetes như: đường huyết đói, đường huyết 2 giờ sau ăn, sau nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống hay HbA1c.
Bệnh đái tháo đường có thể được chẩn đoán dựa trên các tiêu chí xét nghiệm về đường glucose huyết tương hay HbA1c hoặc là giá trị đường huyết đói (FPG), giá trị đường huyết sau ăn 2 giờ (2 giờ PG) qua xét nghiệm dung nạp đường uống 75 g (OGTT), hoặc tiêu chuẩn A1C.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường
Bảng: Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐÁI THÁO ĐƯỜNG |
Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/ dl (7,0 mmol /l). Đói được định nghĩa là không ăn hay uống thực phẩm chứa calo ít nhất 8 giờ. |
HOẶC |
Glucose huyết tương sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l).Nghiệm pháp được thực hiện theo hướng dẫn của WHO, sử dụng một lượng glucose tương đương với 75 g glucose khan hòa tan trong nước. |
HOẶC |
A1C ≥ 6,5 % (48 mmol/mol). Xét nghiệm phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chứng nhận bởi NSPG và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn xét nghiệm DCCT. |
HOẶC |
Trên những bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết hay đường huyết tăng rất cao, đường huyết bất kì ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l) |
DCCT, Diabetes Control and Complications Trial; FPG, fasting plasma glucose: đường huyết tương lúc đói 2-h PG, 2-h plasma glucose: đường huyết tương 2 giờ sau ăn. OGTT, oral glucose tolerance test: Nghiệm pháp dung nạp Glucose bằng đường uống WHO, World Health Organization – Tổ chức sức khỏe Thế giới. Lưu ý:Trong trường hợp không có tăng đường huyết rõ ràng, chẩn đoán cần có hai kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu hoặc trong hai mẫu xét nghiệm riêng biệt. |
Nói chung, đường huyết đói, đường huyết sau 2h của nghiệm pháp dung nạp glucose và A1C đều thích hợp như nhau để tầm soát bệnh đái tháo đường.
Hiệu quả của các biện pháp can thiệp để phòng ngừa nguyên phát bệnh đái tháo đường type 2 chủ yếu được chứng minh trên những người bị rối loạn dung nạp glucose (IGT) có hay không có tăng glucose lúc đói, không dành cho những người chỉ bị rối loạn đường huyết đói ( IFG) hoặc cho những người bị tiền đái tháo đường được xác định theo tiêu chuẩn A1C.
Bệnh đái tháo đường có thể được xác định trong nhiều các bối cảnh lâm sàng khác nhau — ở những người có vẻ có nguy cơ thấp tình cờ làm xét nghiệm đường huyết, hay ở những người được sàng lọc dựa trên đánh giá nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hay trên những bệnh nhân có triệu chứng.
XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường: ĐƯỜNG HUYẾT ĐÓI VÀ ĐƯỜNG HUYẾT SAU ĂN 2H
FPG: fasting plasma glucose: đường huyết tương lúc đói và 2-h PG: 2-h plasma glucose: đường huyết tương 2 giờ sau ăn có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường (Bảng 2.2).
Sự tương đồng giữa xét nghiệm FPG và 2-h PG là không hoàn hảo, cũng như sự tương đồng giữa A1C và các xét nghiệm đường glucose trong máu vậy.
Giá trị đường Glucose đo ở thời điểm 2-h sau ăn giúp chẩn đoán nhiều người bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường hơn khi so sánh với điểm cắt của giá trị chẩn đoán của đường huyết đói và HbA1c.
Ở những bệnh nhân có kết quả không tương đồng giữa giá trị A1C và kết quả đường glucose, khi đó các giá trị đường glucose đói – FPG và đường glucose 2 giờ sau ăn – PG 2 giờ chính xác hơn HbA1c.
Bạn cũng có thể chẩn đoán đái tháo đường qua các xét nghiệm dưới đây:
HbA1C
Khuyến cáo HbA1c trong chẩn đoán đái tháo đường
1- Để tránh bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, xét nghiệm A1c nên được thực hiện bằng phương pháp được NGSP chứng nhận và được chuẩn hóa theo xét nghiệm trong nghiên cứu DCCT.
2- Khi có sự khác biệt rõ rệt giữa nồng độ A1C và glucose huyết tương đo được nên đặt ra khả năng xét nghiệm A1C bị nhiễu và cân nhắc sử dụng xét nghiệm không bị nhiễu hoặc sử dụng tiêu chí đường Glucose huyết tương để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
3- Trong trường hợp có các yếu tố làm thay đổi mối gắn kết giữa A1C và đường glucose trong máu, chẳng hạn như bệnh huyết sắc tố bao gồm bệnh hồng cầu hình liềm, mang thai (3 tháng giữa và 3 tháng sau sinh), thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenase, HIV, chạy thận nhân tạo, mất máu hoặc được truyền máu gần đây, hoặc điều trị bằng erythropoietin, chỉ nên sử dụng tiêu chí đường glucose huyết tương để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. (Xem các điều kiện khác làm thay đổi mối quan hệ của a1c và đường huyết bên dưới để biết thêm thông tin.)
4- Cần đảm bảo cung cấp đủ carbohydrate (ít nhất 150 g / ngày) trong 3 ngày trước khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống để tầm soát bệnh đái tháo đường.
Xét nghiệm A1C nên được thực hiện bằng phương pháp được NGSP (www.ngsp.org) chứng nhận và được tiêu chuẩn hóa hoặc có thể truy xuất nguồn gốc theo các xét nghiệm được thực hiện trong nghiên cứu DCCT. Các xét nghiệm A1C sử dụng nhanh được chứng nhận bởi NGSP và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua và cho phép sử dụng trong việc theo dõi kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
Các xét nghiệm A1C sử dụng nhanh tại cơ sở y tế chưa được nghiên cứu dùng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường không được khuyến cáo dùng để chẩn đoán bệnh.
Nếu được sử dụng, kết quả nên được xác nhận bởi một xét nghiệm đã được xác thực.
A1C có một số lợi thế so với FPG và OGTT, bao gồm tiện lợi hơn (không cần nhịn ăn), có độ ổn định cao hơn và ít bị xáo trộn giữa các ngày do stress, thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc bệnh lý nào đó.
Tuy nhiên, những ưu điểm này có thể bị ảnh hưởng bởi độ nhạy thấp hơn của A1C, chi phí cao hơn, một số quốc gia đang phát triển chưa có đủ khả năng xét nghiệm A1C và mối tương quan không hoàn hảo giữa A1C và glucose trung bình ở một số cá nhân.
Xét nghiệm A1C, với ngưỡng chẩn đoán là > 6,5% (48 mmol/mol), chỉ chẩn đoán được 30% các trường hợp bệnh đái tháo đường được chẩn đoán xác định bằng cách sử dụng A1C, FPG hoặc 2-h PG, theo dữ liệu National Health and Nutrition Exam Survey ( NHANES).
Bất chấp những hạn chế của A1C, năm 2009, Hội đồng các chuyên gia Quốc tế đã bổ sung A1C vào tiêu chuẩn chẩn đoán với mục tiêu tăng cường sàng lọc.
Khi sử dụng A1C để chẩn đoán bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là phải nhận ra rằng A1C là một thước đo gián tiếp về mức đường huyết trung bình và phải xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quá trình glycat hóa, chẳng hạn như thẩm phân máu, mang thai, điều trị HIV, tuổi, chủng tộc/dân tộc, nền tảng di truyền và bệnh thiếu máu/bệnh huyết sắc tố.
Tuổi
Các nghiên cứu dịch tễ học đã hình thành cơ sở cho việc khuyến cáo dùng A1C để chẩn đoán bệnh đái tháo đường cho người trưởng thành.
Tuy nhiên, hướng dẫn lâm sàng gần đây của ADA kết luận rằng A1C, FPG hoặc 2-h PG có thể được dùng để xét nghiệm cho người tiền đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Chủng tộc/Dân tộc/Bệnh lý huyết sắc tố
Các biến thể của huyết sắc tố có thể gây sai lệch kết quả A1C, mặc dù hầu hết các xét nghiệm HbA1c đang sử dụng ở Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng bởi các biến thể phổ biến.
Khi có sự sai lệch giữa nồng độ A1C và đường huyết cần lưu ý rằng xét nghiệm A1C không đáng tin cậy đối với cá nhân đó.
Đối với những bệnh nhân có biến thể huyết sắc tố nhưng đời sống hồng cầu vẫn bình thường, chẳng hạn như những bệnh nhân hồng cầu hình liềm, nên sử dụng các xét nghiệm A1C không bị tác động của các biến thể huyết sắc tố. Danh sách các xét nghiệm A1C bị tác động bởi các biến thể hồng cầu có sẵn tại địa chỉ: www. ngsp.org/interf.asp.
Người Mỹ gốc Phi dị hợp tử có thể có biến thể hemoglobin phổ biến HbS, dù với bất kỳ mức đường huyết trung bình nào, đều có A1C thấp hơn khoảng 0,3% so với những người không có đặc điểm này.
Một biến thể di truyền khác, glucose-6-phosphate dehydrogenase G202A trên nhiễm sắc thể X, được mang bởi 11% người Mỹ gốc Phi, có liên quan đến việc giảm A1C ở khoảng 0,8% ở nam giới đồng hợp tử và 0,7% ở nữ giới đồng hợp tử so với những quần thể này mà không có biến thể. Ví dụ, ở Tanzania, nơi có nhiều khả năng mắc bệnh lý huyết sắc tố ở những người nhiễm HIV, A1C có thể thấp hơn dự kiến khi so với glucose, hạn chế tính hữu ích của nó đối với công việc sàng lọc.
Ngay cả khi không có các biến thể hemoglobin, nồng độ A1C có thể thay đổi theo chủng tộc/dân tộc một cách độc lập với mức đường huyết.
Ví dụ, người Mỹ gốc Phi có thể có mức A1C cao hơn người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha dù cho họ có cùng mức đường huyết lúc đói và sau liệu pháp dung nạp đường. Mặc dù các dữ liệu có sự mâu thuẫn, nhưng người Mỹ gốc Phi cũng có thể có mức fructosamine và glycated albumin cao hơn và có mức 1,5-anhydroglucitol thấp hơn, cho thấy gánh nặng đường huyết của họ (đặc biệt là sau ăn) có thể cao hơn.
Tương tự, mức A1C có thể cao hơn đối với một phương pháp đo nồng độ glucose được định sẵn khi được theo dõi glucose liên tục. Một báo cáo gần đây ở những người Afro-Caribbean đã chứng minh A1C thấp hơn mức đường huyết được báo trước.
Bất chấp những điều này và những khác biệt được báo cáo khác, mối liên hệ của A1C với nguy cơ biến chứng của đái tháo đường dường như tương tự ở người Mỹ gốc Phi và người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Ở dân số Đài Loan, tuổi và giới tính được báo cáo có liên quan đến việc tăng A1C ở nam giới. Các ý nghĩa lâm sàng của phát hiện này vẫn chưa rõ ràng tại thời điểm hiện tại.
Các trường hợp làm thay đổi mối quan hệ của A1C và đường huyết
Các bệnh lý liên quan đến rút ngắn đời sống hồng cầu, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm, mang thai (tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba), thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase, chạy thận nhân tạo, mất máu gần đây hoặc truyền máu, hoặc liệu pháp erythropoietin, chỉ nên sử dụng tiêu chuẩn đường huyết để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
A1C kém tin cậy hơn so với xét nghiệm đường huyết trong các điều kiện khác như trạng thái sau sinh, HIV được điều trị bằng một số chất ức chế protease (PI) và chất ức chế men sao chép ngược nucleoside (NRTIs), và thiếu máu thiếu sắt.
Tham khảo: Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2022
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.