Bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2) trước đây được gọi là “bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin” hoặc “bệnh đái tháo đường khởi phát ở người lớn”, chiếm 90–95% tổng số bệnh đái tháo đường.
Ở thể bệnh này, bệnh nhân bị thiếu hụt insulin tương đối (chứ không phải tuyệt đối) và có tình trạng đề kháng insulin ở ngoại vi. Khác với đái tháo đường type 1, thường bệnh nhân không cần điều trị insulin để sống sót.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
Mặc dù bệnh căn cụ thể không được biết, nhưng sự phá hủy tế bào beta qua cơ chế tự miễn không xảy ra, và bệnh nhân không có bất kỳ nguyên nhân nào rõ ràng gây bệnh đái tháo đường.
Hầu hết, nhưng không phải tất cả, bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân gây ra tình trạng đề kháng insulin.
Nhiều bệnh nhân không bị béo phì hoặc thừa cân theo tiêu chí cân nặng truyền thống nhưng có tỷ lệ mỡ phân bố chủ yếu ở vùng bụng.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đái tháo đường type 2
DKA – Nhiễm ceton acid hiếm khi xảy ra một cách tự phát ở bệnh đái tháo đường type 2. Nếu có, thường liên quan đến stress gây ra bởi một số bệnh khác như nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, hoặc sử dụng một số loại thuốc (vd corticosteroid, thuốc chống loạn thần không điển hình và thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 SGLT-2).
Bệnh đái tháo đường type 2 thường không được chẩn đoán trong nhiều năm vì tăng đường huyết diễn tiến từ từ.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường không nhận thấy các triệu chứng đái tháo đường cổ điển do tăng đường huyết, chẳng hạn như mất nước hoặc sụt cân.
Tuy nhiên, ngay cả những bệnh nhân chưa được chẩn đoán cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tiến triển của các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
Bệnh nhân tiểu đường type 2 có nồng độ insulin bình thường hoặc tăng cao trong máu, tuy nhiên việc không kiểm soát được lượng đường trong máu phản ánh sự thiếu hụt tương đối trong việc bài tiết insulin được kích thích bởi glucose. Do đó, sự bài tiết insulin không đủ để cải thiện tình trạng đề kháng insulin.
Tình trạng đề kháng insulin có thể cải thiện khi giảm cân, tập thể dục và/hoặc điều trị bằng thuốc hạ đường huyết nhưng hiếm khi phục hồi trở lại bình thường.
Can thiệp bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục tích cực hoặc giảm cân bằng phẫu thuật đã giúp bệnh đái tháo đường thuyên giảm.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường type 2:
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 tăng lên theo tuổi tác, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.
Nguy cơ cao hơn ở phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ (GDM) trước đó hoặc bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Những người bị tăng huyết áp hoặc rối loạn lipid máu và ở một số phân nhóm chủng tộc/dân tộc (Người Mỹ gốc Phi, Người Mỹ bản địa, Người Tây Ban Nha/Latinh và Người Mỹ gốc Á) cũng là nhóm có nguy cơ đái tháo đường cao.
Nguy cơ đái tháo đường có liên quan đến di truyền hoặc tiền sử gia đình ở người thân trực hệ (nhiều hơn so với bệnh đái tháo đường type 1).
Tuy nhiên, tính di truyền của bệnh đái tháo đường type 2 vẫn chưa được hiểu rõ và đang được nghiên cứu trong thời đại y học chính xác.
Ở người trưởng thành, nếu không có các yếu tố nguy cơ truyền thống của bệnh đái tháo đường và/hoặc ở độ tuổi trẻ hơn, nên xét nghiệm tự kháng thể tiểu đảo tụy (ví dụ: tự kháng thể GAD65) để loại trừ bệnh đái tháo đường type 1.
Nguồn: Bài viết được dịch từ Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2022
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.