Khuyến cáo của ADA 2024 về đái tháo đường thai kỳ – Gestational Diabetes Mellitus in Diagnosis and Classification of Diabetes: Standards of Care in Diabetes—2024.
Định nghĩa đái tháo đường thai kỳ
Trong nhiều năm, đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus – GDM) được định nghĩa là rối loạn dung nạp glucose ở bất cứ mức độ nào được ghi nhận lần đầu trong thời kỳ mang thai, bất kể mức độ tăng đường huyết.
Định nghĩa này tạo thuận lợi cho một chiến lược thống nhất nhằm phát hiện và phân loại đái tháo đường thai kỳ, nhưng nó có nhiều hạn chế.
Đầu tiên, có nhiều trường hợp đái tháo đường thai kỳ đã có tăng đường huyết trước khi mang thai nhưng không phát hiện được do không được xét nghiệm tầm soát. Chỉ được phát hiện khi mang thai.
Phụ nữ được phát hiện đái tháo đường bằng các tiêu chuẩn chẩn đoán thông thường sẽ được phân loại là bệnh đái tháo đường khi mang thai (thường là bệnh đái tháo đường type 2, hiếm khi là bệnh đái tháo đường type 1 hoặc bệnh đái tháo đường đơn gen) và được quản lý điều trị cho phù hợp.
GDM thường là dấu hiệu của rối loạn chức năng tế bào beta tiềm ẩn, làm tăng nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường sau này.
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ – GDM có thể được thực hiện với một trong hai chiến lược:
- Chiến lược tiếp cận “một bước” bằng nghiệm pháp dung nạp Glucose bằng đường uống 75gr (OGTT 75gr) bắt nguồn từ tiêu chuẩn IADPSG
hoặc
- Chiến lược tiếp cận “hai bước” cũ hơn bằng cách tầm soát với nghiệm pháp dung nạp glucose 50gr bằng đường uống (không nhịn ăn), sau đó là OGTT 100g cho những người sàng lọc dương tính, dựa trên cách lý giải của Carpenter và Coustan về tiêu chuẩn cũ của O’Sullivan.
Bảng xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Chiến lược một bước |
Thực hiện OGTT 75gr, đo đường huyết khi bệnh nhân đang đói và lúc 1 và 2 giờ, ở tuổi thai 24–28 tuần ở những phụ nữ chưa được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường trước đó. |
OGTT nên được thực hiện vào buổi sáng sau một đêm nhịn ăn ít nhất 8 giờ. |
Chẩn đoán GDM được thành lập khi đáp ứng bất kỳ giá trị glucose huyết tương nào sau đây: – Lúc đói: ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L) – 1 giờ: ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L) – 2 giờ: ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L) |
Chiến lược 2 bước |
Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp tải glucose 50gr (Glucose load test – GLT) (không nhịn ăn) |
Đo đường huyết lúc 1 giờ, ở tuổi thai 24–28 tuần ở những phụ nữ chưa được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường trước đó. |
Nếu mức đường huyết đo được 1 giờ sau khi thực hiện nghiệm pháp tải Glucose: > 130, 135 hoặc 140 mg/dL (tương ứng là 7,2, 7,5 hoặc 7,8 mmol/L), hãy chuyển sang OGTT 100 gr. |
Bước 2: OGTT 100gr nên được thực hiện khi bệnh nhân nhịn ăn. |
Chẩn đoán GDM khi ít nhất hai trong bốn mức đường huyết tương sau đây (đo lúc đói và 1, 2 và 3 giờ trong OGTT) đáp ứng hoặc vượt quá (tiêu chuẩn Carpenter-Coustan [244]): |
– Đói: 95 mg/dL (5,3 mmol/L) – 1 giờ: 180 mg/dL (10,0 mmol/L) – 2 giờ: 155 mg/dL (8,6 mmol/L) – 3 giờ: 140 mg/dL (7,8 mmol/L) |
Các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau sẽ xác định mức độ tăng đường huyết ở mẹ và nguy cơ cho mẹ/thai nhi khác nhau, khiến một số chuyên gia tranh luận và không thống nhất về các chiến lược tối ưu để chẩn đoán GDM.
Chiến lược chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ 1 bước làm gia tăng số lượng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, từ 5-6% lên tới 15 – 20%.
Xem Xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
Điều trị đái tháo đường thai kỳ
Để điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ, bác sĩ của bạn sẽ yêu cầu bạn:
Kiểm tra lượng đường glucose trong máu của bạn nhiều thời điểm trong ngày
Thực hiện chế độ ăn phù hợp để đảm bảo đủ năng lượng nhưng hạn chế tăng đường huyết
Bạn cần tập thể dục thích hợp
Bác sĩ có thể sẽ phải kê toa insulin để tiêm cho bạn nếu đường huyết của bạn không được kiểm soát chỉ với chế độ ăn và tập thể dục
Biến chứng tiểu đường thai kỳ cho mẹ và bé
Nếu tiểu đường thai kỳ không được phát hiện hay không điều trị tốt dẫn đến đường trong máu tăng, sẽ gây ra những biến chứng sau:
Đối với em bé
- Cân nặng bé tăng
- Sinh non
- Hội chứng suy hô hấp
- Hạ đường huyết
- Bị tiểu đường type 2 sau này
Đối với mẹ
- Tăng huyết áp và tiền sản giật
- Đa ối
- Tăng nguy cơ sang chấn khi sanh
- Tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2 trong tương lai
- Tiểu đường thai kỳ trong lần có thai tới
Để phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 hay bệnh sẽ tái phát trong lần mang thai tới, sản phụ nên xét nghiệm kiểm tra bệnh tiểu đường ở thời điểm 4 tới 12 tuần sau khi sinh và nếu kết quả bình thường, kiểm tra lại mỗi 1 tới 3 năm sau.
Chế độ ăn và tập thể dục
Theo những hướng dẫn sau để tránh bệnh đái tháo đường thai kỳ:
Chế độ ăn lành mạnh, ít đường:
Nên tuân thủ theo chế độ ăn dành cho bệnh nhân bị tiểu đường, hạn chế khẩu phần ăn tinh bột, tăng cường rau xanh ngũ cốc nguyên hạt.
Tham khảo: Chế độ ăn dành cho phụ nữ mang thai
Giảm bớt cân thừa trước khi mang thai:
Giảm bớt vài cân nặng trước khi mang thai sẽ giúp cho thai kỳ khoẻ mạnh hơn
Tập thể dục trong thời gian mang thai:
Nếu bạn có kế hoạch mang thai, nên bắt đầu tập thể dục một cách an toàn từ trước khi mang thai.
Thực hiện hoạt động ở mức độ trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày trong tuần.
Đi bộ, bơi lội và đạp xe là những lựa chọn phù hợp.
Dĩ nhiên tuỳ theo thời điểm khác nhau mà bạn chọn cách tập luyện phù hợp với thời điểm thai kỳ.
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.