Điều trị bệnh tiểu đường, đái tháo đường bao gồm 4 bước: Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động, tuân thủ phác đồ điều trị đái tháo đường và theo dõi điều trị đúng cách.
Dù nguyên nhân tiểu đường khác nhau nhưng mục tiêu điều trị là giống nhau: kiểm soát đường huyết và phòng tránh biến chứng tiểu đường.
Bước 1: Để điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả cần tuân thủ chế độ ăn
Tuân thủ cách ăn uống dành cho người tiểu đường là chìa khoá quan trọng để điều trị đái tháo đường.
Dù bạn có uống thuốc hay tiêm insulin mà không tuân thủ cách ăn uống sẽ không bao giờ điều trị tiểu đường hiệu quả được.
Trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày cần nhận diện các nhóm chứa nhiều carbohydarte, là nhóm trực tiếp làm tăng đường glucose trong máu.
Để tuân thủ cách ăn uống hiệu quả bạn cần nhớ 2 việc sau:
Áp dụng phương pháp đĩa thức ăn
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để giúp người bệnh tiểu đường ăn uống đúng cách. Đó là ăn theo PHƯƠNG PHÁP ĐĨA THỨC ĂN.
Theo đó, bạn chia đĩa thức ăn thành 3 phần: 1/2 đĩa là ra, 1/4 đĩa là nhóm cung cấp đạm và 1/4 còn lại chứa carbohydrate.
Tham khảo cách ăn theo phương pháp đĩa thức ăn: Hướng dẫn bữa ăn theo phương pháp đĩa thức ăn
CHÚ Ý !
KHÔNG NÊN CHIA NHỎ BỮA ĂN HAY ĂN NHIỀU LẦN TRONG NGÀY.
Việc chia nhỏ bữa ăn hay ăn vặt sẽ làm tăng đường huyết rất nhiều lần trong ngày.
Mỗi lần bạn ăn là một lần làm tăng đường huyết. Do vậy KHÔNG CHIA NHỎ BỮA ĂN hay ĂN VẶT, trừ khi có chỉ định của Bác sĩ trong một số trường hợp nhằm tránh hạ đường huyết.
Bước 2: Tăng cường vận động
Việc tuân thủ chế độ ăn sẽ hạn chế tăng đường huyết.
Để giảm đường huyết bạn cần tăng cường vận động. Đây là cách điều trị bệnh tiểu đường không cần dùng thuốc.
Tại sao tăng cường vận động có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường?
Tập thể dục, tăng cường vận động giúp cơ thể tăng sử dụng glucose và giảm đề kháng với insulin. Nhờ đó đường huyết sẽ giảm.
Tập thể dục như thế nào?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ về tập thể dục trong điều trị đái tháo đường, bạn cần:
Tập thể dục ít nhất 10 phút, mục tiêu là tối thiểu 30 phút mỗi ngày,
Tập đều đặn mỗi ngày, không nên bỏ tập từ 2 ngày trở lên.
Cố gắng tập ở cường độ từ trung bình tới nặng ít nhất 150 phút mỗi tuần như đi bộ nhanh.
Mỗi tuần bạn có thể tập 3 lần, mỗi lần 30 phút. Trong đó thời gian tập những bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp ( tập tạ…) nên đạt tối đa 75 phút.
Bệnh nhân có khả năng chạy ở tốc độ 6 miles/giờ (9.7 km/giờ) trong 25 phút sẽ rút ngắn thời gian tập tích cực ( chỉ cần 75 phút/ tuần) .
Nên bắt đầu từ những bài tập phù hợp với từng bệnh nhân, sau đó tăng dần cường độ.
Bạn nên khởi động kỹ trước mỗi buổi tập để tránh chấn thương.
Cần đo đường huyết trước khi tập. Nếu tập với cường độ cao trong thời gian dài, bạn cũng cần phải đo đường huyết sau.
Tham khảo : Khuyến cáo tập thể dục cho người bệnh tiểu đường.
Bước 3: Thuốc và Insulin trong điều trị bệnh tiểu đường
Bên cạnh việc tuân thủ cách ăn uống dành cho người tiểu đường và tăng cường vận động.
Bác sĩ có thể sẽ phải kê toa thuốc để giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Điều trị đái tháo đường type 1
Đối với bệnh nhân đái tháo đường hay tiểu đường type 1 chỉ điều trị bằng cách tiêm insulin.
Chọn phác đồ insulin thích hợp điều trị bệnh nhân tiểu đường type 1
Phác đồ tiêm insulin tích cực là tốt nhất cho bệnh nhân.
Người bệnh sẽ phải tiêm nhiều lần trong ngày, bao gồm: insulin nền + các mũi insulin tác dụng nhanh vào trước mỗi bữa ăn.
Tuy nhiên, cách tiêm này có bất tiện vì phải tiêm nhiều lần. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng các phác đồ khác để thay thế.
Chọn insulin hỗn hợp, tiêm 3 lần mỗi ngày.
Tiêm insulin trộn sẽ giảm số lần tiêm trong một ngày, thuận tiện hơn cho bệnh nhân.
Các loại thuốc hỗn hợp như: Mixtard, Novomix, Humalog hay Ryzodeg...
Điều trị bệnh tiểu đường type 2
Bệnh đái tháo đường type 2 có thể điều trị bằng insulin hay thuốc hạ đường huyết uống. Có thể phối hợp cả insulin và thuốc uống.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn và tập thể dục tích cực.
Thuốc uống hạ đường huyết
CÁNH BÁO !
Thuốc uống điều trị tiểu đường chỉ được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Không sử dụng để điều trị tiểu đường type 1 hay tiểu đường thai kỳ – trừ khi có chỉ định của Bác sĩ trong một số rất hiếm trường hợp.
Thuốc uống hạ đường huyết có nhiều nhóm. Mỗi nhóm có vị trí và cơ chế khác nhau để hạ đường glucose.
Có nhiều nhóm thuốc uống giúp hạ đường huyết, phổ biến nhất là các nhóm thuốc sau:
- Metformin
- Sulfonyluraes
- Ức chế DPP 4
- Ức chế thụ thể đồng vận chuyển Glucose – Natri SGLT -2 ở thận
- Các nhóm ít sử dụng hơn: Glinide, Acarbose, Nhóm TZD – Pioglithazone…
Mỗi bệnh nhân đái tháo đường type 2 sẽ có phác đồ điều trị riêng phù hợp, tuỳ theo:
- Thời gian bị bệnh tiểu đường
- Mức đường huyết
- Dung nạp thuốc của bệnh nhân
- Các bệnh lý hay biến chứng đi kèm…
Người bệnh tuyệt đối không nên tự uống thuốc hay mua thuốc trôi nổi, uống thuốc theo quảng cáo và tin đồn.
Đã có rất nhiều bệnh nhân đã phải trả giá bằng mạng sống và sức khoẻ của mình vì uống thuốc không theo chỉ định của Bác sĩ.
Điều trị đái tháo đường thai kỳ
Điều trị tiểu đường hay đái tháo đường thai kỳ chủ yếu bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Nếu chế độ dinh dưỡng và vận động vẫn không kiểm soát đường Glucose, bệnh nhân được chỉ định tiêm insulin.
Insulin được lựa chọn tốt nhất cho phụ nữ đang mang thai là insulin người, như Actrapid, Mixtard
Các loại insulin mới analog chưa có nhiều dữ liệu an toàn trên phụ nữ mang thai. Cần cân nhắc khi sử dụng.
Trong rất ít trường hợp, sản phụ không thể tiêm insulin. Ví dụ như dị ứng nghiêm trọng với insulin), có thể sử dụng thuốc uống:
Hai nhóm thuốc: Metformin hay Glibenclamide được chấp nhận trong trường hợp này.
Bước 4: Theo dõi điều trị bệnh tiểu đường
Để biết cách trị bệnh tiểu đường nào hiệu bạn cần theo dõi đường huyết.
Tầm quan trọng của theo dõi đường huyết:
- Giúp điều chỉnh liều thuốc thích hợp
- Tránh hạ đường huyết nguy hiểm
- Tránh để đường huyết cao kéo dài
- Giúp thay đổi chế độ ăn phù hợp
Theo dõi điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?
Bạn nên đọc bài viết theo dõi điều trị bệnh tiểu đường dưới đây để biết cách theo dõi bệnh:
Lịch trình theo dõi điều trị bệnh tiểu đường – đái tháo đường
Một cách ngắn gọn:
Bạn nên có một máy đo đường huyết cá nhân để theo dõi đường huyết tại nhà.
Đường huyết nên đo vào các thời điểm: trước khi ăn, sau khi ăn 1- 2 giờ và cả trước khi ngủ.
Khi tập luyện nhiều, bạn cần theo dõi đường trước và trong khi tập.
Xét nghiệm HbA1c mỗi 3- 6 tháng. Xét nghiệm chức năng thận, gan, mỡ máu… mỗi 6 tháng.
Tất nhiên, bác sĩ sẽ phải chỉ định xét nghiệm thường xuyên hơn nếu sức khoẻ bạn bất thường.
Tham khảo: Diabetes Treatment: Medication, Diet, and Insulin
Share bài viết:
THẢO LUẬN – HỎI ĐÁP
Nếu bạn có comment hay câu hỏi nào, vui lòng đến trang HỎI ĐÁP BỆNH TIỂU ĐƯỜNG để thảo luận.